23/06/2023 - 08:41

Vì sao người giàu thích phiêu lưu mạo hiểm? 

HẠNH NGUYÊN (Theo National World, Guardian)

Trong số 5 người kẹt trong tàu lặn Titan tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương có 2 tỉ phú là doanh nhân người Anh Hamish Harding và doanh nhân người Pakistan Shahzada Dawood.

Tỉ phú Harding đang nắm giữ 3 kỷ lục thế giới về những chuyến khám phá mạo hiểm. Ảnh: The Scotsman

Trước khi bắt đầu chuyến lặn sâu hơn 3.800m vào sáng ngày 18-6, ông Harding hồ hởi cho rằng nhiều khả năng đây là sứ mệnh chở người tham quan xác tàu Titanic đầu tiên và duy nhất trong năm 2023. Tuy nhiên, tàu Titan đã mất liên lạc với các nhà điều hành chưa đầy 2 tiếng sau khi xuất phát. Mỹ, Canada và Pháp đã tiến hành cuộc tìm kiếm và cứu nạn quy mô lớn nhưng tới nay vẫn chưa phát hiện dấu vết của tàu lặn.

Hoạt động trên không phải là chuyến thám hiểm đáy biển đầu tiên của ông Harding. Năm 2021, tỉ phú 58 tuổi từng lặn xuống vực thẳm Challenger Deep ở Thái Bình Dương, điểm sâu nhất được biết trên Trái đất (sâu 10.925m). Ông còn tham gia sứ mệnh khám phá vũ trụ ở độ cao 107km bằng tên lửa New Shepard của Công ty Blue Origin năm ngoái.

Những cuộc thám hiểm này không rẻ. Trong khi các chuyến lặn quan sát tàu Titanic do Công ty OceanGate tổ chức có phí là 250.000USD/người, giá cho cặp vé tham gia chuyến bay của Blue Origin lên tới 2,5 triệu USD. Nhiều công ty khác thì mở các tour tham quan những vùng hoang dã cuối cùng của thế giới với chi phí đắt đỏ. Công ty White Desert Nam Cực của nhà thám hiểm Patrick Woodhead đưa khách hàng giàu có tới cực Nam với mức phí 98.500USD/người. Woodhead đánh giá tỉ phú Harding là “nhà thám hiểm cừ khôi” và ông ấy đã nhiều lần thám hiểm Nam Cực.

Quan điểm khác thường của giới tỉ phú

Ý tưởng chi khoản tiền lớn cho một hoạt động quá nguy hiểm đã dấy lên những bàn tán trên mạng Internet, khi nhiều người ví chuyến tham quan xác tàu Titanic giống như cơn ác mộng tồi tệ nhất và khẳng định có cho 250.000USD họ cũng không tham gia.

Tuy nhiên, giới siêu giàu như các tỉ phú Harding và Dawood (một trong những người giàu nhất Pakistan) lại có cái nhìn khác về các chuyến đi đầy rủi ro này. Nhà tâm lý học Charlotte Russell cho rằng những người siêu giàu ở vào một hoàn cảnh khác thường bởi họ có điều kiện thực hiện những nỗ lực khắc nghiệt hơn. Ðiều này cũng dễ dẫn đến việc họ hợp tác với những người khác có cùng vị thế tài chính, do vậy quan điểm của người siêu giàu về “sự bình thường” rất khác so với những
người thường.

Ngoài ra còn có nguyên nhân tâm lý học khiến những người giàu chuộng các hoạt động nguy hiểm và chúng cũng liên quan đến cách họ trở nên giàu có. “Trở thành tỉ phú có thể chứa đựng những yếu tố rủi ro riêng vì phải hành động theo cách khắc nghiệt”, Tiến sĩ Russell lập luận.

Ðồng quan điểm trên, chuyên gia tư vấn Shirley Palmer đề cập mối liên quan giữa du lịch mạo hiểm và danh tiếng của một người giàu. “Ðối với những người giàu, tham gia du lịch mạo hiểm như một bằng chứng về địa vị xã hội của họ. Chỉ một vài cá nhân có khả năng thực hiện những chuyến thám hiểm như thế, nên những hoạt động này tượng trưng cho sự độc quyền và thanh thế”, bà Palmer giải thích.

Tờ Business Insider hôm 22-6 dẫn lời các chuyên gia pháp lý nhận định, Công ty OceanGate nhiều khả năng sẽ né được các vụ kiện liên quan sự mất tích của tàu lặn Titan. Trước khi xuống tàu, 5 hành khách đều đã ký vào giấy chấp nhận rủi ro và ngay ở mặt đầu tiên của tờ giấy này có tới 3 lần đề cập tới nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, OceanGate vẫn có thể gặp rắc rối nếu bị phát hiện sơ suất trong vận hành.

 

Chia sẻ bài viết