26/02/2025 - 21:46

Vì sao chính quyền Trump cần khoáng sản của Ukraine? 

Theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ đến Nhà Trắng vào cuối tuần này để hoàn tất thỏa thuận khoáng sản và tái thiết, mở đường cho Washington tiếp cận nguồn khoáng sản dồi dào của quốc gia Ðông Âu.

Một khu vực khai thác đất hiếm của Ukraine.  Ảnh: Getty Images

Hoàn trả viện trợ quân sự

Phát biểu tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump cho biết ông đã được thông báo về sự xuất hiện của người đồng cấp Ukraine vào ngày 28-2. “Tôi sẽ đồng ý nếu Ukraine muốn ký thỏa thuận với Mỹ” - ông Trump tuyên bố. Ngoài ra, các chi tiết khác bao gồm bảo đảm an ninh chung cho Kiev sau này cũng có thể được thảo luận trong cuộc họp.

Thông báo được đưa ra sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng giữa Mỹ và Ukraine về thỏa thuận tài nguyên, vốn đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực của Kiev nhằm duy trì sự ủng hộ của Washington trước cuộc chiến với Nga. Theo phân tích của giới chuyên môn, bản dự thảo với các điều khoản mới có lợi hơn cho Ukraine so với đề xuất ban đầu từ Washington, nhưng không gồm các tham chiếu đảm bảo an ninh dài hạn như mong muốn của Kiev.

Hiện một số chi tiết vẫn chưa rõ ràng, nhưng thông tin rò rỉ cho thấy thỏa thuận có điều khoản về quyền sở hữu của Mỹ trong quỹ chung nhằm phát triển tài nguyên khoáng sản của Ukraine. Chưa rõ cổ phần của Mỹ là bao nhiêu, nhưng thỏa thuận mới cũng loại trừ yêu cầu khó chấp nhận về quyền của Washington được hưởng 500 tỉ USD doanh thu tiềm năng từ việc khai thác nguồn tài nguyên chủ chốt như đất hiếm và dầu khí của Ukraine. Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố đây là một phần trong khoản hoàn trả viện trợ quân sự 350 tỉ USD mà Mỹ đã cấp cho Ukraine. Ðáp lại, Tổng thống Zelensky nói rằng nguồn tiền Kiev nhận được về bản chất là tài trợ chứ không phải khoản vay. Ông Zelensky cũng cảnh báo, nếu chính quyền Kiev chấp nhận thì phải 10 thế hệ người Ukraine mới có thể trả lại số tiền này.

Tuy nhiên, theo lời của Tổng thống Zelensky, Nga đã kiểm soát 20% khoáng sản của Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát. Nói vậy, ngay cả khi có được thỏa thuận như mong muốn, Tổng thống Trump cũng sẽ mất nhiều năm để khoáng sản Ukraine có thể đáp ứng nhu cầu của Mỹ.

Tính toán của Mỹ

Một trong những lý do chính khiến Tổng thống Trump thúc đẩy thỏa thuận tài nguyên với Ukraine là để giảm sự phụ thuộc của Mỹ đối với các nguồn nguyên liệu thô thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp chiến lược, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và thiết bị quân sự. Hiện Washington nhập khẩu phần lớn các khoáng sản chủ chốt từ Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, để phản đối chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden siết chặt quyền tiếp cận công nghệ tiên tiến xứ cờ hoa, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố lệnh dừng ngay lập tức xuất khẩu gali, germani, antimon và một số khoáng sản “siêu cứng” sang Mỹ. Theo nghiên cứu của Cục Khảo sát Ðịa chất Mỹ, nếu Bắc Kinh thực hiện cấm hoàn toàn xuất khẩu gali và germani, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ có thể giảm tới 3,4 tỉ USD/năm. Ðộng thái này cũng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng chuỗi cung ứng làm vũ khí như biện pháp trả đũa, đặc biệt khi Mỹ tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa đại lục.

Trong bối cảnh đó, giới phân tích nói rằng giải pháp cho cuộc chiến Ukraine chính là cơ hội để Tổng thống Trump đảm bảo các nguồn khoáng sản quan trọng thay thế trước khi lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng đến ngành sản xuất quan trọng của của Mỹ. Diễn biến này cũng giúp Washington chuyển hướng các quỹ ngân sách và nguồn lực sử dụng ở châu Âu, từ đó thay thế cho các nguồn tài nguyên do Bắc Kinh kiểm soát. Ðược biết, Ukraine sở hữu một trong những trữ lượng khoáng sản lớn nhất châu Âu với ước tính trị giá khoảng 14,8 ngàn tỉ USD, bao gồm 22 trong số 34 loại khoáng sản được Liên minh châu Âu (EU) xác định quan trọng như gali, titanium, lithium, than chì, nickel, mangan, khí đốt, dầu mỏ và uranium. Vì vậy, việc đạt được thỏa thuận với Kiev sẽ cho phép Tổng thống Trump giảm thiểu hậu quả khi tiếp tục có hành động cứng rắn nhắm vào Trung Quốc, vốn bị coi đối thủ kinh tế lớn nhất và là trở ngại đáng kể cho chính sách đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại”.

Ngoài Ukraine, Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ quan tâm tới Greenland, khu tự trị của Đan Mạch và sở hữu trữ lượng khoáng sản quan trọng đáng kể. Ông Trump cũng cho biết ngoài việc đàm phán kết thúc chiến tranh Ukraine, Mỹ đang cố gắng xây dựng các thỏa thuận kinh tế với Nga, quốc gia có trữ lượng đất hiếm khồng lồ. Đáp lại, Tổng thống Vladimir Putin mới đây tuyên bố Mát-xcơ-va sẵn sàng hợp tác các doanh nghiệp khoáng sản Mỹ không chỉ tại Nga mà cả các vùng lãnh thổ kiểm soát của Ukraine.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, Conservation)

Chia sẻ bài viết