11/05/2009 - 21:10

Trước kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học 2008-2009

Vẫn nặng nỗi lo chất lượng

Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cờ Đỏ phải mượn dãy phòng học của Trường THPT Thới Lai để làm phòng học.
Ảnh: LG

Kỳ thi tốt nghiệp trung học năm 2008, trong khi hệ phổ thông có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp khá cao- trên 85%- thì ở hệ bổ túc, con số này chỉ là 33,48%. Chính vì vậy, ngay khi bước vào năm học 2008-2009, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học. Thế nhưng, sắp bước vào kỳ thi, vẫn còn không ít nỗi lo, nhất là khi năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định chỉ tổ chức 1 lần thi tốt nghiệp.

* Chùn bước trước khó khăn

Theo nhận định của các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp ở hệ bổ túc trung học thấp chung qui lại vẫn là: điều kiện cơ sở vật chất khó khăn, giáo viên thiếu kinh nghiệm giảng dạy lớp 12, ý thức học tập của học viên chưa cao. Nếu như 2 nguyên nhân đầu thuộc về khách quan, khó khắc phục thì nguyên nhân thứ 3 lại là nguyên nhân chủ quan, hoàn toàn có thể khắc phục để mang lại kết quả học tập khả quan hơn. Thế nhưng...

Đầu năm học 2008-2009, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) huyện Vĩnh Thạnh có 2 lớp 12, với trên 60 học viên. Đến khi kết thúc học kỳ II, Trung tâm chỉ còn 37 học viên đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp bổ túc trung học. Phần lớn học viên không đủ điều kiện dự thi là do bỏ học quá số ngày qui định và bỏ học hẳn vì không theo kịp chương trình. Ông Trần Văn Sân, Giám đốc TTGDTX huyện, thở dài nói: “Vừa học hết chương trình là Trung tâm tổ chức ôn tập ngay, 4 buổi/ tuần nhưng chỉ có 12 học viên theo học. Các học viên còn lại, người thì sợ không thi nổi nên tới đâu hay tới đó, người thì bảo tự ôn tập. Chắc chắn rằng với tinh thần học tập như vậy, khó có được kết quả khả quan”.

Cũng theo ông Sân, khoảng 70% học viên lớp 12 là cán bộ nhân viên của các đơn vị trong huyện. Những học viên này được UBND huyện cho nghỉ phép đi học nếu trường xếp lịch học vào ngày làm việc và tất cả đều được miễn học phí. Thế nhưng, dường như những ưu đãi đó vẫn không đủ sức “kéo” học viên đến lớp. Phần lớn những học viên lớn tuổi đều cho rằng khả năng tiếp thu kiến thức hạn chế- nhất là với chương trình sách giáo khoa mới hiện nay - nên họ ngại lên lớp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của TTGDTX huyện không ổn định, phòng học thuê mướn, bàn ghế chật chội, học viên không có được tâm thế học tập tốt nhất. Những buổi phải học 5 tiết làm cho học viên mệt mỏi. Chẳng hạn, cơ sở hiện tại của TTGDTX huyện Phong Điền tạm bợ, nhỏ, hẹp nên Trung tâm phải hợp đồng thuê phòng học tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền. Bàn ghế trong các phòng học là bàn ghế dành cho học sinh tiểu học. Thêm vào đó, những lúc trường tổ chức hội họp, sinh hoạt chuyên đề, học viên lại phải chuyển chỗ học. Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc TTGDTX huyện Phong Điền, cho biết: “Nay học chỗ này, mai học chỗ kia nên nề nếp của Trung tâm không ổn định. Mặt khác, do Trung tâm chỉ có thể thuê phòng học của trường vào thứ bảy và chủ nhật nên phải dồn tiết lại dạy suốt hai ngày, gây áp lực nặng nề cho học viên”.

* Ý thức và quyết tâm - yếu tố quyết định

Hầu như năm nào TTGDTX quận Ninh Kiều cũng có tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp bổ túc trung học cao nhất trong các quận, huyện. Kỳ thi tốt nghiệp năm 2008, tỷ lệ tốt nghiệp hệ bổ túc trung học toàn TP Cần Thơ là 33,48% thì tỷ lệ tốt nghiệp của TTGDTX quận Ninh Kiều là 58,14%. Ngoài thuận lợi do điều kiện đi lại dễ dàng, phải nhìn nhận rằng, học viên của các lớp bổ túc, phổ cập đều có ý thức học tập rất cao. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc TTGDTX quận, chia sẻ: “Cán bộ, giáo viên của Trung tâm luôn động viên, khuyến khích học viên bằng cách phân tích ý nghĩa của việc học, của kiến thức, bằng cấp đối với tương lai của học viên. Ngoài ra, Trung tâm luôn tạo mọi điều kiện để học viên có thể theo học”. Hiện nay, trong 7 lớp 12 của TTGDTX quận Ninh Kiều có đến 4 lớp được tổ chức vào ban đêm, nhằm thu hút các đối tượng vừa làm, vừa học, như: công nhân, nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp...

Những ngày này, Đoàn Thị Mai Phương- học viên lớp 12S1 của TTGDTX quận Ninh Kiều- dành rất nhiều thời gian ôn tập các môn thi tốt nghiệp. Phương nói: “Ngày thi đã gần kề, tôi gác lại mọi việc để ôn thi. Đậu tốt nghiệp trung học có ý nghĩa rất quan trọng đối với tôi, bởi có bằng tốt nghiệp trung học, tôi sẽ tìm được việc làm, sẽ có cơ hội để tiếp tục học lên cao hơn”. 24 tuổi, với Phương không phải là quá muộn vì lúc nào Phương cũng mong muốn được học tập để có kiến thức, để từ đó có được cuộc sống khá hơn. Phương kể: “Đầu năm lớp 11, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ tôi bảo 1 trong 3 chị em phải nghỉ học. Dù rất ham học nhưng là chị lớn nên tôi quyết định nghỉ học để 2 em được tiếp tục đến trường”. Sau 5 năm làm việc giúp đỡ gia đình, năm 2008, Phương quyết tâm đi học lại và đăng ký vào học bổ túc trung học tại TTGDTX quận Ninh Kiều. Phương chuyển từ công việc ban ngày sang làm tiếp thị ban đêm. Vừa học vừa làm dẫu rất khó khăn, nhưng Phương luôn là một lớp trưởng gương mẫu, đi học đều đặn, chăm chỉ.

Kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học năm nay, TTGDTX quận Ninh Kiều có gần 300 thí sinh đăng ký dự thi. Ngay từ đầu năm học, Trung tâm đã chọn giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy khối 12, tăng cường kiểm tra sĩ số, nhắc nhở học viên về tính nghiêm túc của kỳ thi, tổ chức thi giữa học kỳ, thi học kỳ nghiêm túc để tạo thói quen cho học viên, tăng tiết cho các môn thi tốt nghiệp... Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhận xét: “Nhìn chung, năm nay, học viên có ý thức học tập tốt hơn, không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự dễ dãi đối với hệ bổ túc nữa”.

* * *

Để khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học năm 2009, hầu hết các TTGDTX đều chọn giáo viên đứng lớp có nhiều kinh nghiệm dạy lớp 12, tổ chức ôn tập cho học viên song song với thời gian học, tăng tiết ôn tập nhiều hơn sau khi kết thúc chương trình. Các Trung tâm còn tổ chức thi thử, tổ chức chuyên đề để giải đáp thắc mắc của học viên... Những giải pháp trên chỉ có thể phát huy tác dụng, mang lại kết quả tốt khi đi kèm với thái độ học tập nghiêm túc, tích cực của học viên.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết