10/06/2010 - 22:25

Ủng hộ có điều kiện

Tướng David Petraeus gặp Thủ tướng Anh David Cameron ngày 9-6. Ảnh: AFP

Chính quyền Washington đang tìm cách ve vãn Anh, đồng minh quân sự gần gũi nhất của Mỹ, trong nỗ lực lên dây cót tinh thần cho các nước góp quân tham chiến ở Afghanistan.

Trong cuộc “tấn công ngoại giao” 3 ngày tới Luân Đôn từ hôm 9-6, bộ ba quan chức hàng đầu Lầu Năm Góc gồm Bộ trưởng Robert Gates, Tướng David Petraeus - Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM), và Tướng Peter Chiarelli, Phó Tham mưu trưởng lục quân, đã ra sức thuyết phục tân Chính phủ Anh đảm bảo rằng Luân Đôn sẽ giữ cam kết về việc tham chiến ở Afghanistan. Theo ông Gates, Mỹ và các đồng minh đang chịu sức ép phải chứng tỏ sự tiến bộ ở Afghanistan vào cuối năm nay, và cử tri Mỹ sẽ không chấp nhận sự “bế tắc” vô hạn định ở chiến trường này. Ông Gates cho biết Tướng Stanley McChrystal, Chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan, “khá tự tin” là có thể đạt tiến bộ trong 7 tháng còn lại của năm 2010. Thực ra, việc ông Gates định ra thời hạn về một sự tiến bộ ở Afghanistan từng xảy ra vài lần trước đây, và kết quả là “thời hạn dây thun”. Chẳng hạn hồi năm ngoái, ông từng tuyên bố dư luận Mỹ cần nhận thấy được sự tiến bộ ở Afghanistan “trong năm nay”, nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực. Thời gian gần đây, các vụ bạo lực đẫm máu tiếp tục gia tăng tại Afghanistan. Ít nhất 40 người chết và 70 người khác bị thương trong vụ đánh bom tại một lễ cưới ở gần Kandahar vào đêm 9-6. Cùng ngày, một trực thăng của liên quân bị bắn hạ làm 4 binh sĩ tử vong. Kể từ cuối tuần qua đã có ít nhất 19 binh sĩ liên quân, trong đó có 2 lính Anh, thiệt mạng ở Afghanistan.

Còn Tướng Petraeus thì ca ngợi Anh là “đối tác quan trọng và đáng tin cậy nhất” của Mỹ, và mô tả quan hệ an ninh giữa hai nước gần gũi hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ sau Thế chiến thứ hai. Với động thái được xem là nhượng bộ Anh, các quan chức Mỹ còn tuyên bố hủy kế hoạch chuyển 8.000 binh sĩ Anh đang chiến đấu ở tỉnh Helmand tới thành phố Kandahar, thành trì của Taliban.

Sở dĩ các quan chức Mỹ vồ vập với Luân Đôn là vì khi vừa bước chân vào nhà số 10 phố Downing, một trong những việc đầu tiên của tân Thủ tướng David Cameron là triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia để đánh giá lại tình hình ở Afghanistan. Ông Cameron còn cử Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox tới Afghanistan. Sau chuyến đi này, ông Fox đã làm dư luận xứ sương mù gia tăng hoài nghi về cuộc chiến khi nói rằng quân đội Anh ở Afghanistan là để đánh bại các phần tử Hồi giáo cực đoan, ngăn chúng tiến hành tấn công khủng bố ở Anh, chứ không vì mục đích tái thiết nước này. Ông Fox cũng kêu gọi nhanh chóng rút quân đội khỏi Afghanistan. Tuyên bố của ông Fox rõ ràng mâu thuẫn với chiến lược của Mỹ, vốn vừa gây sức ép quân sự lên Taliban và al-Qaeda, vừa kết hợp với chương trình tái thiết nhằm thu phục lòng dân Afghanistan. Sau cuộc gặp giữa hai ông Gates và Cameron, Văn phòng Thủ tướng Anh đã ra tuyên bố ủng hộ chiến lược của Mỹ, nhưng loại bỏ phần quan trọng trong chiến lược là chi 20 tỉ USD xây dựng các lực lượng an ninh Afghanistan.

Washington từng hy vọng sự ủng hộ mạnh mẽ của Anh đối với chiến lược mới sẽ tác động tích cực tới các đồng minh còn lưỡng lự ở châu Âu, trong bối cảnh các nước này đang cắt giảm ngân sách để đối phó với nguy cơ khủng hoảng nợ đang lan rộng từ Hy Lạp. Tuy nhiên, sự ủng hộ có điều kiện của Luân Đôn chắc hẳn khiến Washington ít nhiều thất vọng.

N. MINH (Theo Telegraph, AP)

Chia sẻ bài viết