01/06/2008 - 22:42

Tzipi Livni - Ngôi sao đang tỏa sáng trên chính trường Israel

 Ảnh: AP

Thủ tướng Irsael Ehud Olmert đang đứng trước nguy cơ phải từ giã chính trường khi mà không chỉ phe đối lập, Công đảng - đối tác chính trong liên minh cầm quyền, mà cả đảng Kadima do ông làm chủ tịch đều lên tiếng yêu cầu ông ra đi vì những cáo buộc tham nhũng. Hiện nay, dư luận Israel đang hướng sự chú ý vào Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Tzipi Livni, người được đánh giá là ứng cử viên có nhiều triển vọng nhất thay ông Olmert ngồi ghế chủ tịch đảng Kadima.

Là nhân vật số 2 trong đảng Kadima, Ngoại trưởng Livni lâu nay được xem là người phụ nữ quyền lực nhất trên chính trường Israel, không những rất có uy tín trong nội các, mà còn được đông đảo dân chúng ủng hộ. Hôm 29-5, chính trị gia 49 tuổi này kêu gọi cử tri Israel chuẩn bị khả năng sẽ có tổng tuyển cử trước thời hạn, đồng thời đề nghị các thành viên trong đảng nên sẵn sàng bầu chọn lãnh đạo mới thay thế ông Olmert. Theo bà Livni, đó là những bước đi cần thiết để khôi phục uy tín của đảng cầm quyền bởi những cáo buộc ông Olmert hối lộ không đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà còn là vấn đề về quy tắc và giá trị cần phải được giữ vững.

Thực ra, đây không phải là lần đầu Phó Thủ tướng Livni công khai bày tỏ sự không ủng hộ đối với Thủ tướng Olmert. Tháng 5-2007, bà Livni là một trong 3 nghị sĩ đảng Kadima lên tiếng kêu gọi ông Olmert từ chức sau khi báo cáo điều tra cho thấy Israel thất bại nặng nề trong cuộc chiến 34 ngày với phong trào Hezbollah ở Liban. Khi đó, bà dọa sẽ từ chức nếu ông Olmert không rời ghế Thủ tướng, và tuyên bố sẽ ra tranh cử chức chủ tịch đảng Kadima. Lần này, bà là nhân vật cao cấp đầu tiên trong đảng cầm quyền lên tiếng đòi bầu lại lãnh đạo mới bất chấp nhiều thành viên kỳ cựu khác vẫn ủng hộ ông Olmert. Dự kiến, ban lãnh đạo đảng Kadima sẽ họp bàn vấn đề này vào tuần tới sau khi Thủ tướng Olmert thăm Mỹ trở về.

Sinh trưởng ở Tel Aviv trong gia đình chính trị nổi tiếng ở Israel, Ngoại trưởng Livni có cha mẹ là thành viên nòng cốt của Irgun, phong trào vũ trang bí mật của người Do Thái kháng chiến để thành lập nhà nước Israel năm 1948. Cũng như cha là đảng viên Likud, bà Livni gia nhập đảng này và trúng cử vào Quốc hội năm 1999 sau 10 năm hành nghề luật sư. Trước đó, bà từng có thời gian ngắn làm ở Cục Tình báo Israel. Năm 2001, bà tham gia chính phủ của Thủ tướng Ariel Sharon với vai trò Bộ trưởng Hợp tác khu vực, sau đó lần lượt kinh qua các vị trí Bộ trưởng Nhập cư, Nhà ở & Xây dựng, Nông nghiệp, Tư pháp. Năm 2005, Livni trở thành người phụ nữ thứ hai trong lịch sử Israel đứng đầu Bộ Ngoại giao, trước đó là bà Golda Meir - người về sau trở thành Thủ tướng Israel (1969-1974).

Khi còn ở Likud, Livni đã được coi là ngôi sao đang lên trên sân khấu chính trị Israel với phong cách ôn hòa, cởi mở và gần gũi với tầng lớp lao động. Năm 2005, khi Thủ tướng Sharon tách khỏi Likud để lập đảng Kadima, bà là một trong những bộ trưởng đầu tiên gia nhập đảng mới này. Sự trung thành với ông Sharon trong lúc sự nghiệp chính trị của ông đang gặp trắc trở đã giúp nâng cao hình ảnh của bà trong mắt chính giới. Mặc dù xuất thân trong gia đình theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, nhưng Ngoại trưởng Livni là một trong những người đề xuất chủ trương cùng chung sống hòa bình với người Palestine, ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập. Sự “chuyển đổi lý tưởng” này đã đưa Livni trở thành trưởng phái đoàn đàm phán hòa bình với Palestine với uy tín ngày càng tăng cao trong khối A-rập.

Tuần qua, các kết quả thăm dò dư luận cho thấy trong số hai ứng cử viên cho chức chủ tịch đảng Kadima, bà Livni được lòng cử tri nhiều hơn so với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Shaul Mofaz, với tỷ lệ ủng hộ gần 40%. Tuy nhiên, có vẻ như dân chúng Israel vốn còn nặng tư tưởng “nam nhân đại trượng phu” chưa sẵn sàng đón nhận một nữ thủ tướng thứ hai vì trong các cuộc thăm dò ý kiến về ứng cử viên chức Thủ tướng trong trường hợp tổ chức tuyển cử sớm, Ngoại trưởng Livni luôn xếp sau chủ tịch đảng Likud, cựu thủ tướng Benjamin Netanyahu. Theo giới phân tích, trong mắt các chính trị gia Israel, bà Livni vẫn còn non kinh nghiệm quân sự lẫn chính trường để có thể trở thành người đứng đầu chính phủ.

SONG NGỌC (Theo AFP, SMH, BBC)

 Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết