08/02/2013 - 09:25

Tunisie lại bất ổn

Hãng thông tấn Anh Reuters hôm 7-2 đưa tin, Thủ tướng Tunisie Hamdi Jebali đã tuyên bố giải tán chính phủ và cam kết nhanh chóng tiến hành bầu cử trong nỗ lực nhằm xoa dịu làn sóng phẫn nộ đang lan rộng với các cuộc biểu tình rầm rộ sau vụ một lãnh đạo đối lập bị ám sát.


Người biểu tình tập trung bên ngoài Bộ Nội vụ Tunisie sau vụ ám sát ông Chokri Belaid. Ảnh: Reuters 

Phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo thuộc đảng Hồi giáo cầm quyền Ennahda cho biết quyết định thành lập một chính phủ kỹ trị lâm thời cho đến khi cuộc bầu cử được diễn ra trong thời gian sớm nhất. Nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa thế tục Mouldi Fahem nói rằng rất hoan nghênh quyết định của ông Jebali bởi nó đáp ứng đúng nguyện vọng của phe đối lập.

Thủ tướng Jebali đưa ra thông báo trên trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp tục lan rộng tại nhiều thành phố ở Tunisie sau vụ thủ lĩnh đảng Những Người yêu nước Dân chủ (DPP) đối lập, ông Chokri Belaid, bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng vào sáng 6-2. Ông Jebali coi vụ ám sát là hành động khủng bố và cam kết sẽ nỗ lực bắt giữ thủ phạm. Trong khi đó, Tổng thống Tunisie Moncef Marzouki phải hủy tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), khai mạc cùng ngày tại Thủ đô Cairo của Ai Cập. Mỹ và Pháp cũng lên án vụ sát hại ông Belaid.

Được biết lãnh đạo Belaid, 48 tuổi, đã bị một tay súng sát hại khi ông vừa rời khỏi nhà để đến cơ quan làm việc và đã tử vong tại bệnh viện gần đó. Bi kịch trên đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân, dẫn đến các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên khắp đường phố của Thủ đô Tunis và lan rộng đến những thành phố khác bao gồm Sidi Bouzid, cái nôi của cuộc "Cách mạng Hoa Lài" lật đổ cựu Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali hồi đầu năm 2011. Các cuộc biểu tình đồng thời cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa người Hồi giáo và các phong trào thế tục chỉ 2 năm sau khi cuộc tổng nổi dậy kết thúc thập kỷ của chế độ độc tài được phương Tây ủng hộ.

Trước khi bị ám sát một ngày, ông Belaid đã từng công khai lên tiếng chỉ trích chính phủ liên minh đã quá nhượng bộ trong các sách lược đối phó với các phần tử Hồi giáo cực đoan Salafis. Những người biểu tình và cả gia đình ông Belaid cáo buộc đảng Hồi giáo Ennahda đứng đầu trong liên minh cầm quyền ở Tunisie đứng sau vụ ám sát ông Belaid. Tuy nhiên, Chủ tịch Ennahda, ông Rached Gannouhi, đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trên, đồng thời lên án các thế lực đối lập "đang tìm cách làm lệch hướng tiến trình chuyển giao dân chủ" sau cuộc nổi dậy năm 2011.

VI VI (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết