25/01/2022 - 09:52

Túng quẫn, người nghèo Afghan-istan bán con, bán thận 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) mới đây cảnh báo, có tới 1 triệu trẻ em Afghanistan có nguy cơ chết đói và hơn một nửa trong số gần 40 triệu dân quốc gia Tây Nam Á này đang sống dưới mức nghèo đói. Một số gia đình túng quẫn tới nỗi phải đưa ra những lựa chọn tuyệt vọng, đó là phải bán con, bán thận để có tiền xoay xở.

Bà Rahmati vừa phải bán con vừa phải bán thận để trang trải cuộc sống. Ảnh: Guardian

Kể từ khi rời khỏi ngôi nhà ở tỉnh Badghis cách đây 4 năm, gia đình bà Delaram Rahmati đã phải sống trong túp lều lụp xụp tại một trong những khu ổ chuột ở thành phố Herat. Không có việc làm nhưng người phụ nữ 50 tuổi này phải trả viện phí cho 2 người con trai (1 người bị liệt và 1 người bệnh tâm thần), thuốc men cho chồng, cũng như phải lo miếng ăn cho 8 đứa con. Quá túng quẫn, Rahmati buộc phải bán 2 cô con gái của mình, một đứa 8 tuổi và một đứa 6 tuổi, với giá 100.000 afghani (khoảng 950USD)/đứa cho những gia đình mà bà không quen biết. Theo thỏa thuận, 2 cô con gái sẽ ở lại với bà cho đến khi chúng đến tuổi dậy thì.

Thế nhưng, việc bán con không phải là quyết định đau đớn duy nhất mà Rahmati buộc phải đưa ra. “Vì nợ nần và đói khát, tôi buộc phải bán đi quả thận của mình” - bà cho biết. Theo tờ Guardian, Rahmati bán quả thận với giá 150.000 afghani (khoảng 1.430USD) nhưng do quá trình hồi phục sau ca mổ không được tốt, bà giờ đây cũng đã ngã bệnh. Bà thậm chí không thể đi lại vì vết thương bị nhiễm trùng nhưng không có tiền đi khám.

Không chỉ Rahmati rơi vào cảnh khốn cùng đến nỗi phải bán đi quả thận quý giá của mình. “Ðã nhiều tháng rồi kể từ lần cuối cùng chúng tôi ăn cơm. Trong nhiều ngày qua, tôi đã hỏi các bệnh viện tư nhân ở Herat rằng nếu họ cần gấp bất kỳ quả thận nào, tôi có thể bán với giá thấp hơn giá thị trường nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được phản hồi. Tôi cần phải cho con ăn nên tôi không còn lựa chọn nào khác” - Salahuddin Taheri, cha của 4 đứa con, bộc bạch.

Thật ra, việc buôn bán thận từ lâu đã tồn tại ở Afghanistan. Song, kể từ khi Taliban lên nắm quyền, giá cả và điều kiện buôn bán nội tạng bất hợp pháp đã thay đổi. Theo đó, giá của một quả thận vốn từng dao động từ 3.500-4.000USD nay đã giảm xuống còn chưa tới 1.500USD. Dẫu vậy, số người tình nguyện bán thận không ngừng tăng lên. Theo Asif Kabir, một quan chức y tế công cộng tại tỉnh Herat, trong vòng 5 năm qua, khoảng 250 ca ghép thận chính thức đã được thực hiện tại các bệnh viện ở tỉnh này. Ông Kabir tiết lộ, chi phí ghép thận là 400.000 afghani (tương đương 3.815 USD) cộng với giá của quả thận. Thế nhưng, số ca phẫu thuật ghép thận thật sự có thể còn cao hơn nhiều. “Gần đây, lượng người muốn bán thận đã tăng mạnh ở Herat và hầu hết trong số họ sống ở các khu ổ chuột của Herat. Khách hàng thông thường sẽ đến tận các khu ổ chuột để tìm mua quả thận rẻ tiền” - một bác sĩ làm việc tại một trong những bệnh viện chuyên ghép thận cho biết.

Sayed Ashraf Sadat, thành viên nhóm điều tra hoạt động buôn bán thận bất hợp pháp, cho hay thận thậm chí được mua đi bán lại. Theo ông Sadat, một quả thận được mua với giá 2.850USD ở Afghanistan và nó được bán với giá từ 11.250-16.500USD ở nước ngoài. “Chúng tôi đã tìm thấy các bằng chứng cho thấy một số người được khuyến khích bán thận của họ rồi quả thận đó được đưa ra ngoài biên giới. Những quốc gia như Iran cần thận và những người nghèo Afghanistan bị buộc phải bán chúng” - ông Sadat nói.

Ðại sứ UNHCR tại Afghanistan cho biết nước này đang “trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử đương đại”. Hạn hán, đại dịch COVID-19 và sự áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế sau khi Taliban kiểm soát chính quyền hồi tháng 8 năm ngoái đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với nền kinh tế. Lạm phát tăng cao khiến giá lương thực tăng vọt. Trong bối cảnh đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hiện đang khẩn trương cung cấp lương thực cho người dân tại đây. Tuy nhiên, để thực hiện nỗ lực đó, WFP cần 220 triệu USD/tháng trong năm 2022. Về phần mình, LHQ đã kêu gọi viện trợ 5 tỉ USD cho Afghanistan để “ngăn chặn thảm họa nhân đạo”. l

Ngày 23-1, phái đoàn Taliban đã bắt đầu các cuộc đàm phán với các đại diện xã hội dân sự của Afghanistan tại Oslo (Na Uy). Phái đoàn Taliban do Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi làm trưởng đoàn, là phái đoàn đầu tiên của lực lượng này tới châu Âu kể từ khi giành lại quyền kiểm soát Afghanistan. Cuộc đàm phán chính thức đầu tiên tới đây giữa đại diện chính quyền Taliban với các nước phương Tây được cho là cơ hội để “chuyển đổi bầu không khí chiến tranh” sau hai thập kỷ đối đầu với Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Người phát ngôn của Taliban, ông Zabihullah Mujahid cho biết lực lượng này đã thực hiện các bước để đáp ứng các yêu cầu của phương Tây và hy vọng thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước. Ông này khẳng định Taliban mong muốn “biến bầu không khí chiến tranh thành hòa bình”.

Chia sẻ bài viết