19/09/2009 - 09:19

AN GIANG

Tưng bừng Lễ hội Đua bò Bảy Núi mở rộng lần thứ 18

Ngày 18-9-2009, hơn 30.000 người dân đã cùng đến thưởng thức, cổ vũ sôi nổi cho Lễ hội “Đua bò Bảy Núi mở rộng lần thứ 18”, tại chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên (An Giang). Hội đua năm nay quy tụ 72 đôi bò của đồng bào dân tộc Khmer ở các huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, huyện Châu Thành, Châu Phú.

Lễ hội Đua bò Bảy Núi năm nay đã thu hút hầu hết các huyện có đồng bào dân tộc Khmer; ngoài 50 đôi bò tham gia giải đua chuyên nghiệp mở rộng còn có thêm 22 đôi thi đấu giải phong trào; giá trị giải thưởng tăng lên 20 triệu đồng/giải, cao nhất từ trước đến nay. Các đôi bò thi đấu rất chuẩn, tài xế điều khiển tự tin, đúng luật, đã gây hào hứng cho người xem.

Kết quả: Giải nhất - Giải Bảy Núi thuộc về đôi bò của ông Nguyễn Thành Tài ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn; giải nhì thuộc về đôi bò của ông Văn Hữu Trí ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn; giải ba thuộc về đôi bò của ông Trần Văn Đạt, xã Lương Phí, huyện Tri Tôn. Ngoài ra, ban giám khảo còn trao tặng mỗi thể loại thi đấu cúp Bảy Núi và giải phong trào 4 giải khuyến khích và 1 giải tài xế giỏi.

Ở giải phong trào mở rộng có đôi bò của ông Ngô Văn Cước (huyện Tịnh Biên) giành giải nhất. Giải nhì thuộc về đôi bò của ông Chau Chel, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Giải ba được dành cho đôi bò của ông Nguyễn Hoàng Kha, thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên.

Đua bò Bảy Núi là tập tục, lễ hội đặc trưng của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi An Giang. Vào mùa làm ruộng, đàn ông Khmer mang bò về cày bừa tơi đất ruộng cho các chùa, để phụ nữ cấy mạ. Trong khi làm việc, nông dân rủ nhau đua, dần dần thành thói quen. Để tạo không khí vừa lao động vừa vui chơi, các sư cả đứng ra tổ chức, tặng thưởng cho đôi bò thắng cuộc. Vào năm 1992, lãnh đạo hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên đã có ý tưởng tổ chức luân phiên “Đua bò” hàng năm, từ đó đua bò đã trở thành lễ hội truyền thống đặc trưng chỉ có trong của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An Giang. Lễ hội được chọn tổ chức vào dịp Lễ Sêne Đôl-ta là thời điểm kết thúc xuống giống vụ mùa cuối cùng trong năm, đây còn là thời gian nông nhàn để tập trung cho huấn luyện, chăm sóc, mang bò đi thi đấu, tạo một sân chơi thể thao văn hóa lành mạnh. Mỗi năm, lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn người dân trong, ngoài huyện, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh đến thưởng thức, cổ vũ.

VƯƠNG THOẠI TRUNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết