16/11/2014 - 09:15

Trung Quốc thống lĩnh thị trường UAV dân sự

Không chỉ là vũ khí đắc lực phục vụ cho quân đội, việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) nhằm mục đích thương mại có xu hướng gia tăng trong các ngành công nghiệp giải trí, truyền thông, nông nghiệp và xây dựng. Công ty công nghệ DJI của Trung Quốc hiện đang nổi lên như là nhà sản xuất UAV dân dụng lớn nhất thế giới về doanh số, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên các cuộc tranh luận về độ an toàn của sản phẩm.

Một trong những bước ngoặt quan trọng đầu tiên ở Mỹ trong lĩnh vực UAV thương mại là việc Chris Anderson, cựu Tổng Biên tập tạp chí Wired, sáng lập công ty chuyên chế tạo UAV 3D Robotics Inc vào năm 2009 và hiện là một trong những "ông lớn" trong ngành sản xuất UAV cũng như các hệ thống kiểm soát bay. Một năm sau đó, công ty chuyên sản xuất thiết bị cầm tay không dây Parrot SA giới thiệu mẫu máy bay AR.Drone có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh với giá chỉ 300 USD. Và tháng 8 năm nay, tập đoàn công nghệ Google cho biết họ cũng đang phát triển loại UAV giao hàng nhằm cạnh tranh với "đại gia" bán lẻ trực tuyến Amazon.

Tuy nhiên, theo Nhật báo Phố Wall (WSJ), đáng lưu ý trong thị trường UAV hiện nay là DJI do doanh nhân Frank Wang sáng lập năm 2006 tại phòng của mình trong ký túc xá khi đang học sau đại học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Công. Tuy ra đời không lâu nhưng DJI hiện là thương hiệu Trung Quốc đi tiên phong trong thị trường sản xuất UAV dân dụng. DJI từ 90 nhân viên và doanh thu 4,2 triệu USD năm 2011 đã tăng lên 1.240 nhân viên và hơn 130 triệu USD năm 2013. Hiện tại, công ty có 2.800 nhân viên, 3 nhà máy với doanh thu dự kiến cao hơn năm ngoái từ 3 đến 5 lần.

Theo cựu Chủ tịch công ty tư vấn Booz & Company tại Trung Quốc Edward Tse, DJI là công ty Trung Quốc đầu tiên đến nay nắm vị thế số 1 toàn cầu. Trong đó, điều giúp làm nên kỳ tích này là DJI đã tạo ra một sản phẩm khác biệt trong lĩnh vực mà nó đang hướng tới. Cụ thể là trong khi hầu hết các máy bay điều khiển trước đây yêu cầu người dùng phải lắp ráp thì DJI đã phát triển một kết cấu ổn định tích hợp máy bay và camera thành một thiết bị rẻ tiền mà khách hàng có thể sử dụng tức thì. Thành công này được nhìn nhận khi máy bay trực thăng 4 cánh quạt Phantom (ảnh) của hãng trở thành biểu tượng của thị trường UAV mới nổi.

Theo WSJ, Phantom với giá chỉ 1.000 USD hiện là một trong những lựa chọn hàng đầu của các doanh nhân Mỹ trong ngành công nghiệp phim ảnh, sản xuất nông nghiệp, xây dựng, bất chấp lệnh cấm của Cục Hàng không liên bang (FAA). Mục đích sử dụng và mật độ ngày càng dày đặc của sản phẩm này khiến người ta lo ngại có thể phá vỡ các tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghiệp, chuẩn mực xã hội bên cạnh vấn đề an toàn và bảo mật hàng không. FAA dự kiến sẽ ban hành các quy định quản lý lĩnh vực này vào cuối năm nay và điều đó có thể gây trở ngại cho sự phát triển của ngành công nghiệp UAV dân sự. Tuy nhiên, DJI vẫn tiến lên và cho biết sẽ sớm trình làng mẫu UAV cao cấp mới mang tên Inspire.

MAI QUYÊN (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết