09/06/2020 - 18:29

Trung Quốc tăng cường chi phối cộng đồng Hoa kiều 

Báo cáo mới đây của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) cho biết, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực gây ảnh hưởng lên các cộng đồng Hoa kiều trên khắp thế giới để thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.

Đại học McMaster (Canada), nơi Mặt trận Thống nhất được cho đã giám sát và đe dọa các sinh viên, học giả lên tiếng chống lại Trung Quốc. Ảnh: McMaster University

Tác động đa dạng

Cụ thể, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc đã lôi kéo hàng ngàn tổ chức để thu thập thông tin tình báo, khuyến khích chuyển giao công nghệ... và hỗ trợ cho các mục tiêu khác của Bắc Kinh. Đặc biệt, đơn vị này tập trung triển khai các hoạt động tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng Hoa kiều và những người ưu tú ở nước ngoài.

Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đã được Bắc Kinh sử dụng trong nhiều thập kỷ và gần đây được Chủ tịch Tập Cận Bình trao thêm sứ mạng mới, tham vọng biến nước này thành một siêu cường toàn cầu. Trong những năm qua, đơn vị này tăng cường kiểm soát các phương tiện truyền thông tiếng Hoa ở nước ngoài, tài trợ cho các viện nghiên cứu nổi tiếng và sử dụng nền tảng nhắn tin WeChat cũng như các phương tiện truyền thông xã hội khác để kiểm duyệt, giám sát và định hướng các cuộc thảo luận về chính sách.

Alex Joske, chuyên gia phân tích tại Trung tâm chính sách mạng quốc tế thuộc ASPI và là tác giả của báo cáo, nói rằng các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc rất khó xử lý đối với các xã hội mở, bởi chúng rất đa dạng, từ công khai cho tới bí mật. “Mục đích của những hoạt động này là nhằm làm suy yếu sự gắn kết xã hội, thúc đẩy gia tăng căng thẳng chủng tộc, gây ảnh hưởng tới chính trị, phá hoại tính liêm chính của truyền thông, tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp và tăng cường chuyển giao công nghệ không được giám sát” - ông Joske viết trong báo cáo.

Tại Canada, nỗ lực tạo ảnh hưởng của Ban Công tác trận Thống nhất Trung Quốc diễn ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Đơn cử, đơn vị này từng cố gắng ngăn Đại học Toronto cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử, đồng thời được cho đã phối hợp chặt chẽ với giới chức ngoại giao Trung Quốc để giám sát và đe dọa sinh viên, học giả tại Đại học McMaster lên tiếng chống lại chính phủ nước này.

Ra sức ngăn chặn

Vì phần lớn nỗ lực của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc là nhằm vào người Hoa sống bên ngoài Trung Quốc, nên báo cáo của ASPI lưu ý chính phủ các nước cần có các biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi của tổ chức chính trị này. Theo đó, chính phủ các nước nên trợ giúp các phương tiện truyền thông độc lập sử dụng tiếng Hoa cũng như hỗ trợ về mặt luật pháp để giúp họ thoát khỏi sự kiểm duyệt và giám sát trên WeChat.

Lâu nay, Úc được cho đi đầu trong việc chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Đáng chú ý, Canberra năm 2018 đã thông qua luật chống lại sự can thiệp của nước ngoài, một phần là nhờ vào việc phát hiện một nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị tại xứ sở chuột túi. Trong khi đó, Mỹ trong vòng 2 năm qua đã bắt đầu nhắm mục tiêu vào “sự can thiệp” quá mức của Trung Quốc. Quốc hội xứ cờ hoa năm 2018 thông qua dự luật chính sách quốc phòng, dẫn đến việc nhiều trường cắt quan hệ với Viện Khổng Tử được cho là cầu nối để phổ biến quan điểm ủng hộ Bắc Kinh dưới sự chỉ đạo của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Theo WSJ, The Diplomat)

Chia sẻ bài viết