26/06/2021 - 16:54

Trung Quốc quyết liệt thúc đẩy tỷ lệ sinh 

Ngoài việc cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ 3, Trung Quốc mới đây còn đưa ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh đang ở mức thấp tại nước này.

Học sinh Trung Quốc trong giờ học thêm. Ảnh: WSJ

Nhật báo Phố Wall cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch thực thi các chính sách mới nhằm kiềm chế chi phí giáo dục ngày càng tăng, vốn được xem là trở lực đối với các cặp vợ chồng muốn sinh thêm con, trong bối cảnh Bắc Kinh đối mặt với bức tranh nhân khẩu học ngày càng tồi tệ.

Kiểm soát dạy thêm

Trung Quốc dự kiến sẽ đưa ra nhiều luật mới cũng như các quy định chặt chẽ hơn nhằm vào các công ty dạy thêm tư nhân, vốn được cho là nguyên nhân thúc đẩy tính cạnh tranh và làm gia tăng chi phí giáo dục cho các gia đình ở thành thị. Cụ thể, luật mới sẽ hạn chế các buổi học thêm trong kỳ nghỉ của các em học sinh.

Thậm chí, Bộ Giáo dục Trung Quốc còn thành lập văn phòng chuyên quản lý việc dạy thêm sau giờ học. Cơ quan này cũng đã ban hành quy định mới về số lượng bài tập về nhà đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở, thiết lập quy định cấp phép mới dành cho giáo viên tại các trường dạy thêm tư nhân, đồng thời đưa ra hướng dẫn chi tiết cho các hoạt động sau giờ học.

Ðặc biệt, giới chức Trung Quốc trong tháng tới có kế hoạch áp dụng các biện pháp hạn chế mới về dạy thêm cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến trong kỳ nghỉ hè dành cho học sinh từ 6-18 tuổi ở một số thành phố lớn. Nếu thành công, chương trình sẽ được mở rộng ra các vùng khác của đất nước hơn 1,4 tỉ dân. Trong khi đó, Bắc Kinh đã phạt hàng triệu USD đối với hơn một chục công ty khởi nghiệp giáo dục được Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hay Hãng công nghệ Tencent hậu thuẫn.

Ðộng thái trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 xem học thêm là một “vấn đề xã hội”, qua đó hối thúc Bộ Giáo dục nước này lập kế hoạch nhằm giảm tải việc học cho trẻ em và thanh thiếu niên, kêu gọi các bậc phụ huynh không cho con theo học ở các cơ sở dạy thêm tư nhân.

Chính sách hạn chế sinh con kéo dài hàng thập kỷ đã khiến nhiều gia đình ở Trung Quốc đặt kỳ vọng và phần lớn tiền tiết kiệm vào việc cải thiện triển vọng cho con cái. Và việc thu nhập tăng lên đã thúc đẩy cuộc chạy đua dạy thêm khi ngày càng nhiều học sinh cạnh tranh để giành được suất học ở các trường hàng đầu.

Theo Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, hơn 75% học sinh từ lớp 1-12 của nước này đã tham gia các lớp dạy thêm sau giờ học trong năm 2016. Tại thủ đô Bắc Kinh, các gia đình đã chi hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn USD mỗi tháng cho gia sư do lo sợ con cái họ sẽ bị tụt lại phía sau.

Dẹp yên cơn sốt bất động sản

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang thảo luận các biện pháp nhằm dẹp yên cơn sốt bất động sản mọc lên xung quanh các trường điểm tại các thành phố giàu có của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, nhiều gia đình không ngần ngại chi hàng triệu USD để mua những căn hộ có diện tích nhỏ hẹp gần những khu vực có các trường học hàng đầu, bởi giá cả những khu như vậy thường rất đắt, chẳng hạn như quận Hải Ðiến ở Bắc Kinh với mỗi mét vuông vào khoảng 14.000USD, tương đương giá trung bình ở quận Manhattan trung tâm thành phố New York (Mỹ). Một số phụ huynh tương lai còn thuê các chuyên gia tư vấn để xem khu vực lân cận nào sẽ có trường học mới được xây, từ đó sẽ mua một căn hộ gần đó để tiện cho việc học hành sau này của con cái.

Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã cho đóng cửa nhiều công ty bất động sản chuyên rao bán các căn hộ gần trường học. Trong khi đó, để cắt đứt mối liên hệ giữa quyền sở hữu nhà và khả năng tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng bắt đầu dự thảo kế hoạch mở rộng chương trình thí điểm ở Thượng Hải nhằm cho phép giáo viên luân chuyển từ trường này sang trường khác.

Nhìn chung, các chính sách trên nhằm loại bỏ 2 xu hướng được xem là nguyên nhân làm tăng chi phí giáo dục cho nhiều gia đình Trung Quốc, vốn được coi là trở ngại khiến các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con. Chi phí giáo dục gia tăng đồng thời tạo ra hố sâu cách biệt giữa các thành phố, ngoại ô và nông thôn, cũng như giữa người giàu và nghèo.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp hồi tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình mô tả tỷ lệ sinh giảm như một mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc mới đây đã công bố kết quả điều tra dân số 10 năm một lần, theo đó dân số nước này đạt 1,411 tỉ người vào năm 2020. Tỷ suất sinh năm 2020 của nước này là 1,3 con/phụ nữ, tương tự các nước có dân số già như Ý và Nhật Bản, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 con/phụ nữ - mức cần thiết để duy trì dân số ổn định. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết