11/11/2015 - 22:00

Trung Quốc lại ngang ngược trong vấn đề Biển Đông

Sau cam kết "không bắt nạt" các nước láng giềng đồng thời duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây lại "lên giọng", rằng Bắc Kinh có quyền xây dựng trên cái mà nước này tự nhận là "lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông" và điều này "không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không ở khu vực".

Tuyên bố trên được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đưa ra tại cuộc họp báo hôm 10-11 nhằm phản bác nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trước đó, rằng tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông có thể đe dọa trật tự toàn cầu. Theo biện luận của đại diện ngoại giao Trung Quốc, chính sách của Bắc Kinh vẫn là phối hợp với những nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán. Ông Hồng quay sang tố ngược "Washington đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc" thông qua việc triển khai tàu quân sự đến gần khu vực mà Bắc Kinh đang cải tạo phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. "Hành động này của Mỹ cho thấy ai mới khiến căng thẳng leo thang trong khu vực, là gây rối và đe dọa trật tự quốc tế" – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc.

Công trình phi pháp của Trung Quốc tại bãi đá ngầm Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: EPA

Đề cập tự do hàng hải ở Biển Đông, ông Hồng khẳng định quan điểm của Trung Quốc về vấn đề này "là kiên định, rõ ràng và không thay đổi", rồi tiếp tục trơ trẽn cho rằng quần đảo Trường Sa là "một phần lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại". Ngang ngược hơn, Bắc Kinh còn tự cho mình "có quyền xây dựng" trên cái gọi là "lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông" và rằng "điều này không gây tổn hại đối với bất kỳ nước nào và cũng không ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không trong khu vực". Ấy vậy mà, theo hãng tin Anh Reuters, giới cầm quyền Trung Quốc lại không muốn đề cập tranh chấp Biển Đông trên diễn đàn quốc tế, cụ thể là tại Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Philippines từ ngày 17 đến 19-11.

Trong chuyến công du Philippines nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Manila sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được thuận lợi, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng nội dung thảo luận chính của APEC vẫn là thương mại, hợp tác tài chính khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, ông Vương đề nghị Philippines không nêu vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trong khuôn khổ hội nghị lần này. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói Manila "sẽ nỗ lực không nêu những tranh cãi về hàng hải" nhưng nước này cũng không ngăn các nhà lãnh đạo khác đề cập vấn đề trên. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner, APEC tuy là diễn đàn về kinh tế và tranh chấp Biển Đông mặc dù không có trong chương trình nghị sự chính nhưng nhiều khả năng sẽ được thảo luận bên lề hội nghị.

Về mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa Trung Quốc và Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trích lời Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng việc Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế là yếu tố khiến quan hệ hai nước bị tổn hại, thậm chí là "nút thắt cản trở việc cải thiện và phát triển quan hệ song phương". Ngoại trưởng Vương còn nói thêm Bắc Kinh không muốn vấn đề này trở thành "nút thắt chết và sẽ chờ những hành động từ Philippines để cải thiện mối quan hệ này". Hiện tại, vụ kiện lịch sử của Philippines chống lại yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông đã có bước mở đầu thắng lợi đối với Manila khi Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) tuyên bố họ có quyền xét trường hợp của Philippines. Hôm 10-11, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết phái đoàn nước này sẽ trở lại La Haye để tham gia điều trần các lập luận trong vụ kiện từ ngày 24 đến 30-11.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết