06/02/2018 - 14:21

Trung Quốc dùng AI “nâng tầm” chỉ huy tàu ngầm 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công hôm 4-2 dẫn lời một nhà nghiên cứu cấp cao giấu tên tham gia chương trình nâng cấp tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc cho biết, nước này đang có kế hoạch trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho hệ thống máy tính trên tàu ngầm hạt nhân nhằm nâng cao khả năng tư duy của các chỉ huy. Động thái này được cho không chỉ giúp Hải quân Trung Quốc thắng thế trong các trận đánh dưới biển mà còn đẩy các ứng dụng công nghệ AI lên tầm cao mới.

Một mô hình tàu ngầm của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Một mô hình tàu ngầm của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Tàu ngầm hạt nhân phụ thuộc vào khả năng tư duy, kinh nghiệm và tính hiệu quả của thủy thủ đoàn để hoạt động một cách hiệu quả. Do đó, việc Trung Quốc tăng cường khả năng tư duy có thể giúp cho tàu ngầm hoạt động trơn tru. Chẳng hạn, nếu 100-300 thành viên thủy thủ đoàn buộc phải ở lại trong khu vực nước sâu suốt nhiều tháng, mức độ căng thẳng tinh thần tăng lên có thể ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của các chỉ huy, thậm chí khiến cho họ đưa ra những phán đoán sai lầm. Theo nhà nghiên cứu nói trên, một hệ thống hỗ trợ ra quyết định dựa vào công nghệ AI với “tư duy của chính nó” sẽ giúp giảm khối lượng công việc cũng như gánh nặng tinh thần cho các chỉ huy tàu ngầm.

Trang bị công nghệ AI cho tàu ngầm hạt nhân được xem là một cột mốc quan trọng đối với Trung Quốc và cho chính ngành công nghệ này. Kể từ khi tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Mỹ sản xuất ra đời vào đầu những năm 1950, chúng được xếp vào hàng ngũ những “cỗ máy” chiến tranh tinh vi nhất. Tuy nhiên, hệ thống máy tính trên tàu ngầm thường không đồng bộ với hình ảnh hiện đại của chúng. Theo đó, công nghệ trong hầu hết máy tính trên tàu ngầm hạt nhân thường lạc hậu trong khi các linh kiện điện tử dùng trong quân sự yêu cầu phải chịu được tình trạng sốc, nhiệt hoặc nhiễu điện từ, bởi vậy chúng phải “hy sinh” tốc độ để đổi lấy độ tin cậy. Cho đến nay, chức năng “tư duy” của một tàu ngầm hạt nhân, trong đó có khả năng phân tích và phản hồi các tín hiệu do sonar (hệ thống giúp phát hiện các vật thể dưới nước bằng cách phát ra xung âm thanh) nhận được, hầu hết đều do con người đảm nhận chứ không phải máy móc. “Mặc dù một tàu ngầm hạt nhân có sức hủy diệt rất lớn nhưng não bộ của nó thực sự khá nhỏ” – nhà nghiên cứu nói trên nói với SCMP.

Còn hiện tại, với AI, tàu ngầm có thể được hỗ trợ trong việc đưa ra quyết định, nâng cao kỹ năng và phát triển chiến lược mới mà không cần đến sự can thiệp của con người. Không những vậy, công nghệ AI sẽ là “cánh tay đắc lực” đối với chỉ huy tàu ngầm khi có thể giúp họ đánh giá môi trường chiến trường, phân tích nồng độ mặn trong đại dương cũng như nhiệt độ nước vốn có thể gây ảnh hưởng tới độ chính xác của hệ thống sonar. Ngoài ra, nó cũng có thể nhận ra các mối đe dọa từ kẻ thù một cách nhanh hơn và chính xác hơn, giúp các chỉ huy ước tính được những rủi ro, lợi ích của các cuộc diễn tập. Bằng cách bắt chước hoạt động của bộ não con người, hệ thống này có thể xử lý một lượng lớn dữ liệu, vốn đến từ các mạng lưới quan sát của Hải quân Trung Quốc, các cảm biến riêng của tàu ngầm cũng như các tương tác hàng ngày với thủy thủ đoàn.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết