08/12/2015 - 08:38

Trung Quốc có thể tăng gấp 4 lần số đường băng trên Biển Đông

Theo hãng tin Mỹ AP, với chiến dịch bồi lấp, xây dựng trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông, lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ sớm mở rộng số lượng đường băng mà họ đã xây dựng trên vùng biển tranh chấp lên 4 lần, dấy lên mối lo ngại đối với Mỹ và các nước láng giềng.

AP cho biết hiện tại, Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn xây dựng từ quá trình hút cát dưới biển đổ lên các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm bồi lấp thành cái gọi là "đảo nhân tạo". Một số công trình như tòa nhà, bến cảng và quan trọng nhất là đường băng đã xuất hiện trong những tháng gần đây.

Hình ảnh vệ tinh hôm 20-9 cho thấy Trung Quốc đang sắp hoàn thành công trình đường băng trên Đá Chữ Thập. Ảnh: CNES/ IHS Jane’s Defence Weekly

 

Dựa trên hình ảnh vệ tinh gần nhất, một đường băng dài hơn 3km mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Chữ Thập đã bước vào giai đoạn sắp hoàn thiện. Trong khi đó trên Đá Subi, các bức ảnh cho thấy Bắc Kinh đang xây một công trình tương tự và dường như tiếp tục mở rộng thêm dự án trên Đá Vành Khăn. Ngoài vùng chiếm đóng ở Trường Sa, Trung Quốc hiện đang kiểm soát một sân bay với đường băng dài 2,4km tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự, triển khai máy bay chiến đấu J-11BH / BHS tiên tiến đến đảo Phú Lâm. Theo giới quan sát, việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông chứng tỏ giới cầm quyền Bắc Kinh phớt lờ dư luận trong và ngoài khu vực, bất chấp cả luật pháp quốc tế để theo đuổi tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược này.

Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy (Úc) Euan Graham nhận định căn cứ quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông có ảnh hưởng không nhỏ đến cán cân quyền lực trong khu vực, bởi nó giúp quân đội Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên vùng biển tranh chấp. Đặc biệt trong trường hợp Trung Quốc đơn phương lập Vùng nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên một phần hoặc toàn bộ Biển Đông, các đường băng sẽ là điểm xuất phát cho phi cơ nước này thực hiện nhiệm vụ tuần tra, thậm chí tiến hành không kích. Đặt trong tình huống căng thẳng, chuyên gia Graham cho rằng những hoạt động trên "có giá trị đe dọa" các nước có cùng tranh chấp chủ quyền, đồng thời làm phức tạp thêm hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông.

Ngoài vai trò cứ điểm, chuyên gia về an ninh Trung Quốc thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ Hans Kristensen cho biết đường băng còn là nơi để máy bay Trung Quốc tiếp nhiên liệu, sửa chữa và tái vũ trang; nhờ đó mà lực lượng Không quân nước này không cần phải bay hơn 1.000 km về căn cứ gần nhất trên đảo Hải Nam. Đặc biệt các đường băng có thể hỗ trợ quá trình đào tạo phi công mô phỏng đổ bộ hoặc phục hồi máy bay trong điều kiện khó khăn giữa lúc Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình phát triển tàu sân bay. Riêng về kinh tế, cơ sở ở Trường Sa sẽ gia tăng vị thế của Trung Quốc khi nằm chắn ngang tuyến hàng hải chiến lược, ảnh hưởng đến các hoạt động giao thương của nhiều nước, trong đó có Mỹ, nếu những tuyên bố chủ quyền phi lý và những hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông không bị ngăn chặn.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết