28/08/2017 - 10:30

Trung Quốc chuẩn bị cho kỷ nguyên chiến tranh không đối xứng 

Sau 2 thập niên hiện đại hóa quân đội bằng các nỗ lực phát triển chiến đấu cơ tàng hình, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường và tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay, giờ đây Trung Quốc đang theo đuổi công nghệ chế tạo loại máy bay không người lái (UAV) với tính năng phối hợp tấn công hàng loạt nhờ trí tuệ nhân tạo và coi đây là thứ vũ khí lợi hại chuẩn bị cho kỷ nguyên chiến tranh không đối xứng tiềm ẩn trong tương lai.

Đàn UAV của CETC trong buổi biểu diễn gần đây. Ảnh: Wetalkuav

Với những cánh quạt nhỏ xíu, một đàn UAV của Trung Quốc có kích cỡ chỉ lớn hơn máy bay mô hình một chút mới đây được triển khai lên bầu trời. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, bầu trời tại một vùng núi của Trung Quốc đã được 119 UAV giống như đồ chơi của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) phủ đầy.

Được biết, mỗi UAV nhỏ xíu nói trên đều được trang bị phần mềm và hệ thống cảm biến có khả năng giao tiếp với các UAV khác trong đàn. Hiện các chuyên gia thuộc CETC đang nỗ lực tạo ra một đàn gồm hàng ngàn chiếc UAV có thể hoạt động đồng bộ, xác định và tấn công các mục tiêu. Về mặt lý thuyết, đàn UAV này sẽ bao gồm những UAV được trang bị tên lửa hoặc đầu đạn hạt nhân có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tinh vi nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương.

Trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội kéo dài 2 thập kỷ qua của Trung Quốc, nước này đã phát triển nhiều chiến đấu cơ tàng hình, tàu khu trục tên lửa dẫn đường, tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay trong khi giảm bớt số lượng binh sĩ. Theo kế hoạch, Bắc Kinh trong năm nay sẽ chi ít nhất 152 tỉ USD cho lĩnh vực quân sự, nhưng nước này chỉ có một vài lĩnh vực gần “vượt mặt” công nghệ Mỹ.

Hiện Trung Quốc đang xem các đàn UAV, phần cứng công nghệ cao cùng với trí tuệ nhân tạo là một loại vũ khí trong tương lai. “Hiện nay, đàn UAV được xem như là một trong những vũ khí đầy hứa hẹn nhất của lĩnh vực phát triển công nghệ quốc phòng trên thế giới. Trung Quốc đang ưu tiên phát triển nó” - Vasily Kashin, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Đại học Kinh tế ở Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga), nhận định.

Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ ra sức cạnh tranh với UAV của Mỹ khi mà CETC nói rằng công ty này đã “tạo ra một số đột phá lớn” trong lĩnh vực phát triển UAV. Song, giới chuyên gia cảnh báo rằng công nghệ đàn UAV vẫn còn khá mới mẻ và sẽ cần phải phát triển thêm nhiều công nghệ cần thiết nhằm tăng cường khả năng giao tiếp giữa các UAV, các phương pháp để giữ chúng trên không trung lâu hơn cũng như một quân đội hiện đại có khả năng triển khai đàn UAV một cách hiệu quả.

Paul Scharre, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ cho rằng công nghệ của Trung Quốc khó có thể “qua mặt” công nghệ Mỹ. Hiện quân đội Mỹ vận hành khoảng 7.000 UAV, trong khi quân đội Trung Quốc chỉ sở hữu khoảng 1.300 UAV và hầu hết lại không được sử dụng trong các nhiệm vụ tấn công.

Tuy nhiên, các UAV do Trung Quốc sản xuất lại xuất hiện nhiều tại các khu vực chiến tranh trên khắp thế giới, là mặt hàng nhập khẩu của Iraq và Saudi Arabia, dù chúng đa phần không thể “tự thân vận động” mà cần có ít nhất một đội gồm 3 người điều khiển chúng. Một điều đáng nói nữa là trong khi Trung Quốc phát triển tên lửa hành trình cũng như chiến đấu cơ tàng hình, thì Mỹ vẫn ưu tiên phát triển các loại vũ khí tinh vi, tập trung vào các công nghệ mới hơn, tạo thành một kỷ nguyên vũ khí mới mà ở đó robot, vũ khí năng lượng định hướng sẽ thống trị chiến trường trong tương lai. 

Trí Văn (Theo Financial Times)

Chia sẻ bài viết