01/07/2018 - 10:17

Trung, Mỹ chạy đua thu hút nhân tài AI 

Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh thu hút một trong những nguồn nhân lực được săn đón nhiều nhất thế giới, đó là nhân tài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Hệ thống quản lý giao thông bằng AI của Alibaba. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo mới đây của hãng Internet Tencent Holdings (Trung Quốc), hiện toàn thế giới cần tới 1 triệu nhân viên AI nhưng chỉ có khoảng 300.000 người đang làm việc tại các cơ sở nghiên cứu. Dù có tới 370 cơ sở chuyên đào tạo các học viên AI trên toàn cầu nhưng chỉ có khoảng 20.000 sinh viên trong lĩnh vực này tốt nghiệp mỗi năm. Do đó, các công ty xuyên quốc gia buộc phải nỗ lực lấp đầy khoảng trống 700.000 nhân tài. Theo đó, “gã khổng lồ tìm kiếm” Google đã thành lập một trung tâm AI ở Thủ đô Bắc Kinh để chiêu mộ các sinh viên AI tại Trung Quốc, trong khi Tencent và hãng thương mại điện tử Alibaba tham gia một hội nghị về AI tại thành phố New Orleans (Mỹ) hồi tháng 2 để chiêu mộ các sinh viên đang tìm kiếm nơi làm việc phù hợp với chuyên môn của họ.

Theo Nhật báo Nikkei Asian Review (Nhật Bản), Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh dữ dội trong lĩnh vực công nghệ AI. Trong một báo cáo được công bố vào mùa hè năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố ngành công nghiệp AI của họ sẽ sánh ngang cùng các nước phát triển vào năm 2020 và dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2030. Về phần mình, Mỹ hồi tháng 5 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về AI với sự tham gia của các kỹ sư hàng đầu tại Nhà Trắng nhằm tìm cách giữ vững vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực này.

Để thu hút các nhân tài AI, các công ty công nghệ Mỹ không ngần ngại chi mức lương “khủng”. Tomoe Ishizumi, Giám đốc điều hành của Palo Alto Insight, một nhà cung cấp dịch vụ AI, cho biết các chuyên gia về dữ liệu đang làm việc tại Facebook hàng năm “bỏ túi” khoảng 400.000 USD. Các vị trí việc làm tương tự ở Google và tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon cũng nhận mức lương tương đương.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, mức lương dành cho các tài năng AI hàng đầu cao hơn 55% so với mức lương trung bình của nhân viên công nghệ thông tin và truyền thông. Đến nay, nhiều phòng thí nghiệm AI ở Trung Quốc đã được thành lập thông qua hình thức liên doanh giữa các tập đoàn và các trường đại học, chẳng hạn như phòng thí nghiệm iFlytek và Aispeech tại Đại học Giao thông Thượng Hải. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Trung Quốc mới đây đã công bố mục tiêu đầy tham vọng trong thập kỷ tới, đó là thiết lập 100 chuyên ngành “AI+X” vào năm 2020 trong các lĩnh vực như toán học, vật lý, sinh học, tâm lý học, xã hội học, luật cũng như các lĩnh vực chuyên môn có liên quan khác. “Kế hoạch hành động” này cũng sẽ biên soạn ra 50 tài liệu giảng dạy, mở 50 khóa học trực tuyến và mở thêm 50 trung tâm giảng dạy, nghiên cứu và phát triển AI trong thập kỷ tới. Điểm đáng chú ý là Bộ Giáo dục Trung Quốc, phòng thí nghiệm Sinovation AI và Đại học Bắc Kinh vừa công bố Chương trình đào tạo nhân tài AI toàn cầu cho các trường đại học Trung Quốc, trong đó cam kết đào tạo 500 giáo viên và 5.000 sinh viên trong vòng 5 năm tới.

Diễn biến tương tự cũng đang xuất hiện ở Nhật Bản. “Chúng tôi đang tìm kiếm 7 thiên tài và 50 nhân tài” - Yusaku Maezawa, Chủ tịch công ty Start Today điều hành hệ thống bán hàng thời trang trực tuyến Zozotown, đăng trên trang cá nhân Twitter. Được biết, mỗi “thiên tài” được ông Maezawa trả mức lương tối đa 100 triệu yen (908.000 USD)/năm. Và để giữ chân “thiên tài”, Toyota Motor hồi tháng 1 đã bổ nhiệm Gill Pratt, cựu quản lý các dự án liên quan đến AI của Bộ Quốc phòng Mỹ, vào vị trí điều hành. Còn hồi tháng 3, tập đoàn này đã mở một công ty phát triển chuyên sâu xe tự lái với số vốn đầu tư 300 tỉ yen và hiện đang triển khai hệ thống tuyển dụng nhân sự hoàn toàn mới nhằm thu hút nhân tài AI.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết