21/09/2009 - 21:38

Trong đợi gì ở G-20?

Nhóm 20 nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G-20) đang hoàn tất kế hoạch chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tại Pittsburgh (Mỹ) vào ngày 24 và 25-9 tới. Theo “Nhật báo phố Wall” ngày 21-9, hội nghị sẽ đưa ra những cam kết mà theo đó Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có thể thực hiện những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế quốc gia nhằm đảm bảo sự tăng trưởng lâu dài khi thế giới thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất nhiều thập niên qua. Hội nghị lần thứ ba của G-20 trong 12 tháng qua còn được xem như cuộc kiểm tra liệu các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển này có thể thực hiện được chức năng như “ban giám đốc” của nền kinh tế toàn cầu hay không.

Người biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp gia tăng trước hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Pittsburgh. Ảnh: AP

Trọng tâm hội nghị là bản kiến nghị “Khuôn khổ cho sự tăng trưởng bền vững và cân bằng” của Mỹ. Chi tiết bản kiến nghị không được tiết lộ trước, nhưng theo các quan chức Mỹ, nếu được thực thi, nó sẽ bao gồm các biện pháp như Mỹ cắt giảm thâm hụt ngân sách và tiết kiệm hơn; Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu; và EU thay đổi cơ cấu nhằm thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Theo “Nhật báo phố Wall”, các nước đang thâm hụt tài khoản vãng lai, sẽ phải xác định cách tăng cường tiết kiệm. Các nước thặng dư như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản... sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. EU cam kết cải thiện năng lực cạnh tranh, tức sẽ thông qua các giải pháp thuế thân thiện môi trường.

Kiến nghị của Mỹ đã gây ra cuộc tranh cãi trong G-20. Các nước EU cho rằng Mỹ không thực tế về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. Còn Trung Quốc đối mặt thách thức lớn là “làm lại” nền kinh tế, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên, trong công văn gởi lãnh đạo các nước G-20, trợ lý báo chí Nhà Trắng Michael Froman thuyết phục rằng khi tiết kiệm cá nhân và dự trữ công tăng lên ở Mỹ và nhiều nước khác, thế giới sẽ đối mặt với sự tăng trưởng thấp hơn, nếu các nước trong G-20 không cam kết các chính sách thay đổi hướng tới tăng trưởng theo nhu cầu nội địa. Mỹ cũng cho rằng mô hình xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không đem lại tăng trưởng hiệu quả trong tương lai. Bên cạnh đó, để đảm bảo sự ủng hộ của Bắc Kinh, Washington tuyên bố rằng các nước đang phát triển xứng đáng có quyền lớn hơn trong các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB). Mỹ ủng hộ việc thay đổi hệ thống biểu quyết của IMF, theo hướng phân chia 50-50 giữa các nước công nghiệp và đang phát triển, chứ không phải tỷ lệ 57-43 như hiện nay. Mặc dù vậy, mất nhiều phiếu bầu sẽ là EU. Các nhà lãnh đạo EU mới đây cũng nói rằng họ sẵn sàng ủng hộ một số thay đổi như vậy.

Vấn đề là vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cách thức thực thi khuôn khổ mới. Những nỗ lực hay cam kết tương tự từng được đưa ra trước đây ở G-20 đã thất bại. Do vậy, G-20 phải thảo luận cách thức ràng buộc các nước thực hiện cam kết. Lần này, liệu có thể tạo được kết quả tốt hơn?

N. MINH (Theo Wall Street Journal và AP)

Chia sẻ bài viết