29/04/2020 - 06:52

Trong đại dịch, thế giới hướng về bà Merkel 

Sau 15 năm ở đỉnh cao quyền lực, Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh) tiếp tục giành lấy sự tin tưởng trong nước và chứng minh tầm ảnh hưởng sâu rộng của mình trên phạm vi toàn cầu thông qua chính sách chống đại dịch COVID-19.

Ảnh: ALAMY

Tuy là quốc gia có dân số già, nhưng Đức hiện được xem là hình mẫu chống dịch tốt ở châu Âu khi tỷ lệ tử vong chỉ xấp xỉ 3,7% dù nước này ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao thứ 5 thế giới.

Theo giới chuyên gia, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Đức thấp do nhiều yếu tố như độ tuổi trung bình của bệnh nhân không cao so với nơi khác, số người được xét nghiệm cũng nhiều hơn bên cạnh tính hiệu quả của hoạt động y tế cộng đồng. Song, các nhà quan sát quốc tế thừa nhận thành công này không thể thiếu vai trò được ví như "nhà khoa học trưởng" của Thủ tướng Merkel.

Sinh ra ở Tây Đức năm 1954, Angela Merkel lớn lên trong một thị trấn nhỏ ở Đông Đức, phía Bắc Berlin. Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, bà có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử và hoạt động với tư cách một nhà khoa học. Nhưng không lâu sau, bà rời bỏ con đường nghiên cứu để gia nhập một nhóm chính trị mới được thành lập tại nơi sinh sống. Sự nghiệp chính trị của bà Merkel nhanh chóng thăng hoa và trở thành Thủ tướng Đức vào năm 2005 cho tới nay.

Không ủng hộ sớm nới lỏng giãn cách xã hội

Chính phủ liên bang Đức sẽ không sớm thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Đây là tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 27-4.

Người phát ngôn cho biết cuộc thảo luận trực tuyến giữa Thủ tướng Merkel với thủ hiến các bang, theo kế hoạch diễn ra vào cuối tháng này để đưa ra các biện pháp tiếp theo, sẽ được hoãn lại tới ngày 6-5.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, giới quan sát từng hoài nghi Thủ tướng Merkel có thể bị đẩy vào tình thế "vịt què" khi tầm ảnh hưởng bị suy yếu sau tuyên bố không tiếp tục tranh cử cách đây gần 2 năm. Người Đức cũng bị cho là "mệt mỏi" với "triều đại Merkel". Nhưng hiện tại, các cuộc thăm dò trong nước cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà ở mức cao nhất từ năm 2017 nhờ vào thành công của chính phủ trong xử lý đại dịch. Ngay cả một số chính trị gia cánh tả nổi bật trên chính trường Đức như Bodo Ramelow cũng đánh giá cao cách tiếp cận của nữ Thủ tướng phe trung hữu như "một nhà khoa học thầm lặng" hơn là "những người đàn ông ba hoa, theo đuổi chủ nghĩa dân túy và bỏ qua sự thật về các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng".

Còn với truyền thông quốc tế, bà Merkel được thừa nhận là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới và chính trị gia hàng đầu có khả năng giải thích tình hình một cách rõ ràng. Trong bài đăng gần đây trên nhật báo Argentina Clarin, chuyên gia bình luận Ricardo Roa nhận xét Thủ tướng Merkel là một trong số hiếm người làm chính trị thể hiện đúng vai trò lãnh đạo mà không cố tìm kiếm lợi ích từ đại dịch. Theo đó, bà Merkel chưa bao giờ xuất hiện với vẻ dối trá mà thay bằng sự tỉnh táo, lòng quyết tâm, sự trung thực khi sẵn sàng thừa nhận những gì mình không biết và chủ động phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia để dẫn dắt nước Đức vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe. Báo chí các nước phương Tây như Sunday Times, Forbes, The Atlantic, New York Times, New Zealand Herald cũng nhiều lần có bài ca ngợi Thủ tướng Đức, thậm chí kêu gọi lãnh đạo của họ học hỏi mô hình xử lý đại dịch thành công từ Berlin.

Tuy chưa bao giờ tiết lộ lý do từ bỏ con đường nghiên cứu, nhưng tư duy khoa học được cho vẫn thể hiện trong tính cách chính trị và quá trình ra quyết định hàng ngày của Thủ tướng Đức. Và sự tôn trọng của quốc tế đối với cách kiểm soát khủng hoảng COVID-19 của bà Merkel chính là đền đáp về mặt khoa học lẫn chính trị. Theo tờ The Atlantic, Thủ tướng Merkel có thể không phải nhà khoa học vĩ đại của Đức nhưng bà sẽ được nhớ đến với vai trò "nhà khoa học trưởng" - người đã lãnh đạo nước Đức dựa trên tư duy khoa học giữa thời điểm cần kíp nhất.

MAI QUYÊN (Theo DW, Atlantic)

Chia sẻ bài viết