04/02/2018 - 16:36

Triều Tiên vi phạm lệnh cấm vận của LHQ? 

Reuters trích báo cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết CHDCND Triều Tiên đã vi phạm các lệnh trừng phạt và thu về lợi ích kinh tế gần 200 triệu USD trong chín tháng của năm 2017. Báo cáo cũng tiết lộ “quan hệ hợp tác” giữa Bình Nhưỡng với các quốc gia như Syria trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, thậm chí vũ khí hóa học.

Tàu chở dầu Lighthouse Winmore treo cờ Hồng Công bị Hàn Quốc bắt giữ và kiểm tra cuối năm ngoái do nghi liên quan việc bán dầu cho Triều Tiên. Ảnh: Marine Traffic.com

Từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí phong tỏa một số hoạt động kinh tế của Bình Nhưỡng bao gồm xuất khẩu hải sản, hàng dệt may cùng các khoáng sản như than đá, quặng sắt và chì. Triều Tiên cũng bị cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm hóa dầu như giải pháp ngăn chặn nước này tiếp tục phát triển tên lửa và chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Cuối năm ngoái, HĐBA tiếp tục thông qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mới nhằm đáp trả vụ nước này phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 với tuyên bố tên lửa này có khả năng tiếp cận mọi thành phố lớn của Mỹ.

Nhưng trong báo cáo trình lên HĐBA mới đây, các chuyên gia độc lập của LHQ nói rằng Triều Tiên vẫn tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu thông qua các “thủ tục ngụy trang và lợi dụng thiếu sót” trong thực thi các lệnh cấm vận tài chính.  Theo đó, những chuyến tàu chở than và nhiên liệu của Triều Tiên phần lớn đi qua các cảng Trung Quốc, Malaysia, Nga, Hàn Quốc và giấy tờ được hợp pháp hóa bằng cách vận chuyển qua nước thứ 3 nhằm che giấu nguồn gốc ban đầu. Báo cáo cũng ghi nhận Triều Tiên sở hữu mạng lưới hơn 30 tổ chức tài chính đăng ký ở nước ngoài, bao gồm tại Trung Quốc và Nga - hai thành viên thường trực của HĐBA.

 Văn kiện dài 213 trang còn tố Bình Nhưỡng hợp tác với Syria và Myanmar để phát triển tên lửa đạn đạo, thậm chí vũ khí hóa học. Cụ thể, nhóm chuyên gia LHQ khẳng định họ đã điều tra việc Myanmar, Syria mua vũ khí thông thường cũng như tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Họ cũng đưa ra bằng chứng cho thấy Damascus nhận từ Bình Nhưỡng vật liệu vốn sử dụng trong các chương trình vũ khí hóa học, trong khi các kỹ thuật viên về tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã tới Syria nhiều lần vào năm 2016 và tiếp tục hoạt động tại 3 địa điểm ở quốc gia Trung Đông. 

Trước thông tin trên, phái đoàn Triều Tiên tại LHQ vẫn chưa lên tiếng bình luận trong khi Syria phủ nhận sự hiện diện của các kỹ thuật viên Triều Tiên ở nước này. Về phần Myanmar, đại sứ Myanmar tại LHQ Hau Do Suan khẳng định không có bất cứ quan hệ mua bán vũ khí nào giữa Chính phủ Myanmar với Triều Tiên. Trước đó, Nga và Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định họ đang thực hiện nghiêm các lệnh trừng phạt của LHQ.

Trong diễn biến có liên quan, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) trả lời phỏng vấn NDR mới đây cho biết Triều Tiên đã sử dụng sứ quán nước này tại Berlin để thu mua vật liệu phục vụ chương trình phát triển tên lửa. “Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hoạt động mua sắm diễn ra ở đại sứ quán Triều Tiên tại Đức. Theo quan điểm của chúng tôi, các món hàng không chỉ phục vụ chương trình tên lửa mà còn phát triển hạt nhân” - Giám đốc BfV Hans-Georg Maassen khẳng định.

Mặc dù không làm rõ, nhưng ông Maassen nói rằng các vật liệu thường được dán nhãn hàng hóa sử dụng kép, tức có thể dùng cho mục đích dân sự lẫn quân sự.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết