27/02/2011 - 20:45

Triển vọng mới cho hoa kiểng Đồng Tháp

Từ năm 2007 đến 2010, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, hợp tác với tỉnh Đồng Tháp thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Cải thiện sản xuất một số loại hoa truyền thống triển vọng ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ làm chủ nhiệm.

Cuối năm 2010, đề tài đã được Hội đồng khoa học tỉnh Đồng Tháp nghiệm thu. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã mở ra triển vọng mới cho hoa kiểng Đồng Tháp.

Ông Ngô Văn Dũng (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các nhà khoa học về kết quả phun hóa chất cải thiện màu sắc và độ nở hoa của
cúc mâm xôi.

Làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp là một trong những làng hoa nổi tiếng, chuyên sản xuất và cung cấp các loại hoa vào những dịp lễ, Tết cho nhiều nơi trong và ngoài nước. Hoa được trồng phổ biến nhất là hoa mai, hoa hồng, cúc, vạn thọ... Mặc dù qui mô sản xuất ngày càng tăng nhưng vẫn còn nhiều trở ngại đối với người trồng hoa: hoa hồng được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp chiết vừa tốn chi phí, vừa tốn thời gian; vạn thọ trồng bằng hạt F1 lệ thuộc nguồn từ nước ngoài; hoa mai thì chưa nở rộ vào dịp Tết; cúc nở không đồng đều; giá thể trồng hoa thường là rơm hoại mục không đủ dinh dưỡng cho cây phát triển...

Kết quả đề tài “Cải thiện sản xuất một số loại hoa truyền thống triển vọng ở Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp” của các nhà khoa học của Trường Đại học Cần Thơ đã làm thỏa lòng những người trồng hoa.

Gia đình ông Nguyễn Quốc Việt ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, thị xã Sa Đéc là hộ trồng mai lâu năm. Ông phấn khởi khoe: “Nhờ áp dụng những kỹ thuật do Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS - TS) Trần Văn Hâu hướng dẫn, tôi đã đã khắc phục được những hạn chế trước đây. Cách làm rất đơn giản và dễ ứng dụng, chi phí sản xuất giảm mà hiệu quả lại cao”.

Phần nghiên cứu về cây mai do PGS - TS Trần Văn Hâu phụ trách. Thay vì lặt lá bằng tay, sử dụng chất KClO3 (Clorate Kali) với nồng độ 0,2%, chọn thời điểm thích hợp để phun cho lá rụng và hoa nở đúng dịp Tết. Sau khi phun khoảng 4 ngày thì lá rụng, sau đó phun chất GA3 (Gibbereline) ở nồng độ 30 ppm sau khi lặt lá để hoa ra tập trung, giảm tỷ lệ nụ điếc.

Ông Ngô Văn Dũng- hộ chuyên trồng hoa cúc ở xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc đã áp dụng phun hóa chất để cải thiện màu sắc, độ nở hoa cho cây cúc Đài Loan và cúc mâm xôi. Ông Dũng cho biết: “Khi xử lý theo cách thầy Hâu hướng dẫn, hoa nở đều, màu sắc sáng đẹp, bông to hơn. Cách làm truyền thống chỉ đạt hiệu quả 70%, trong khi cách làm mới đạt đến 95%”.

PGS - TS Lê Văn Hòa đã nghiên cứu thành công qui trình cấy mô trong phòng thí nghiệm để tạo cây giống hồng nhung và hoa vạn thọ. Phương pháp này đã được ứng dụng phổ biến trên thế giới, giúp tạo ra nhiều cây con khỏe mạnh, sạch bệnh trong thời gian ngắn. Kết quả này đã được Trường Đại học Cần Thơ chuyển giao cho Trung tâm Giống- Cây trồng tỉnh Đồng Tháp. PGS - TS Lê Văn Hòa hướng dẫn nông dân cách giâm cành thay cho chiết cành.

Đồng Tháp hiện có trên 20 giống hoa hồng. Tuy nhiên, các giống này thường có nhược điểm: mau tàn, màu sắc chưa đa dạng, hoa ít cánh, số hoa trên cây ít... Từ những giống nhập nội và một số giống sưu tập trong nước, TS Nguyễn Thị Xuân Thu đã chọn được 22 giống hoa hồng có đặc tính tốt chuyển giao cho nông dân trồng thử.

PGS - TS Nguyễn Bảo Vệ đưa ra những công thức làm giá thể phù hợp dinh dưỡng cho cây gồm: trấu, mụn dừa, rơm phối trộn với hóa chất, giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng hoa.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được chuyển giao cho ngành nông nghiệp Đồng Tháp để phổ biến cho nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho người trồng hoa”.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết