01/10/2020 - 08:35

Tranh cãi “nảy lửa” giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ 

Vòng tranh luận đầu tiên giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden hoàn toàn rơi vào “hỗn loạn, khó hiểu và hiếu chiến” khi cả hai liên tục ngắt lời và công kích lẫn nhau.

Tổng thống Trump (trái) và đối thủ Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Trump (trái) và đối thủ Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên. Ảnh: Getty Images

Thống kê của Đài CNN cho thấy Tổng thống Trump có thời lượng nói nhiều hơn với 39 phút 06 giây, trong khi ông Biden có 37 phút 56 giây phát biểu trong toàn bộ cuộc tranh luận. Ngay trước khi kết thúc, hai ứng viên vẫn cãi vã và người dẫn chương trình Chris Wallace phải đề nghị họ dừng lại.

Ở phần mở màn, Tổng thống Trump như dự đoán đã phớt lờ các quy tắc bằng việc công kích đối thủ và ngắt lời ở mọi chủ đề khiến ông Biden gần như không thể trình bày mạch lạc những luận điểm quan trọng. Khi liên tục bị chen ngang trong các câu trả lời về đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao và chính sách chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền Obamacare, ứng viên Dân chủ đã mỉa mai ông Trump là “gã hề và kẻ dối trá” sau nhiều lần phải gắt lên: “Donald, ông có im đi không”. Đặc biệt khai thác vụ hồ sơ thuế, ông Biden mô tả tỉ phú New York là “tổng thống tệ nhất” mà nước Mỹ từng có và tiếp tục phản công ở chủ đề dịch COVID-19.

Theo đó, ông Biden nói rằng chủ nhân Nhà Trắng không có kế hoạch và cũng chẳng giải quyết được bất cứ điều gì. Trong lời kêu gọi đoàn kết, ông đề nghị Tổng thống Trump hãy rời khỏi “hầm trú ẩn” và thoát khỏi “những sân golf” để tập hợp lưỡng đảng cùng nhau chống dịch. Tổng thống Trump đã đáp trả bằng cam kết vaccine và nhiều phương pháp điều trị đều đang có sẵn, ông cũng không quên nhắc tới “lỗi” của Trung Quốc khi để dịch bệnh bùng phát song song với cáo buộc truyền thông đưa tin giả làm sai lệch hồ sơ chống dịch của chính quyền. Ông Trump nêu rõ “Chúng tôi đã làm rất tốt” và cho rằng ông Biden “không bao giờ có thể làm tốt hơn”.

Phần cuối cùng của cuộc tranh luận là về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Trong khi ông Biden khuyến khích người dân Mỹ đi bỏ phiếu, Tổng thống Trump lại nhắc lại lo ngại rằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện sẽ dẫn đến “gian lận”. Khi người điều hành Wallace kết thúc cuộc tranh luận bằng việc hỏi hai ứng viên có cam kết tôn trọng kết quả bầu cử hay không, Tổng thống Trump đã lảng tránh câu hỏi này và cho rằng người dân có thể không biết kết quả trong nhiều tháng, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ trực tiếp đến các điểm bỏ phiếu và theo dõi chặt chẽ. Về phần mình, ông Biden trả lời rằng sẽ không tuyên bố chiến thắng cho tới khi kết quả bầu cử được công nhận.

Kẻ thắng, người thua?

CNN nhận định màn tranh luận của Tổng thống Trump là bản tóm lược cung cách vốn có: phá vỡ mọi quy tắc và tìm cách “chiếm sóng” khi tương tác cá nhân. Còn ông Biden bối rối ngay từ đầu và phải vật lộn khi liên tục bị cướp lời. Dù vậy, các nhà phê bình cho rằng chiến lược của ông Trump nhằm hạ bệ cựu Phó Tổng thống không đạt hiệu quả như từng áp dụng với bà Hillary Clinton trong mùa bầu cử năm 2016. Ông cũng có thể tính sai khi liên tục đặt câu hỏi về trí tuệ của đối thủ.

Theo Đài BBC, rất khó để đánh giá ai là người chiến thắng sau cuộc tranh luận nhưng tìm ra “người thua cuộc” lại rất dễ dàng. Đó chính là cử tri Mỹ khi những tiếng “la hét, công kích và xuyên tạc” không giúp họ hiểu thêm gì về lập trường hoặc chính sách của hai ứng viên dù có tới 6 chủ đề được đưa ra. Các kết quả thăm dò cho thấy có 69% cử tri bức xúc sau khi xem chương trình và chỉ 17% nói rằng họ nắm được tin tức.

Mặc dù Tổng thống Trump được cho là chiếm diễn đàn nhiều hơn, tuy nhiên cuộc thăm dò dư luận do CBS News tiến hành cho biết 48% khán giả cho rằng Biden đã giành chiến thắng, trong khi tỷ lệ này đối với Tổng thống Trump là 41%. Ngoài ra, cuộc thăm dò do CNN thực hiện cũng cho thấy 60% khán giả nhận định ông Biden đã thắng cuộc tranh luận, trong khi Tổng thống Trump chỉ nhận được 28%.

Kết quả trên tương tự như kết quả của cuộc thăm dò sau cuộc tranh luận đầu tiên vào năm bầu cử 2016 với 62% nghiêng về bà Clinton, trong khi chỉ có 27% nghiêng về ông Trump. 

Theo CNN, Trung Quốc là một trong những chủ đề hiếm hoi mà hai ứng viên thể hiện sự đồng thuận khi chỉ trích người còn lại “quá mềm mỏng” với Bắc Kinh. Điều này phản ánh quan điểm “bài Trung Quốc” đang hiện hữu ở Washington và có thể gia tăng sau cuộc tranh luận trực tiếp.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết