30/12/2009 - 08:26

Tổng thống Obama trước thách thức của nạn khủng bố

Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên sau vụ đánh bom khủng bố bất thành trên chiếc máy bay của hãng Delta Airlines cuối tuần trước, Tổng thống Barack Obama tối 28-12 tuyên bố nước Mỹ sẽ làm việc không ngừng nghỉ cho tới khi bắt được những kẻ liên quan. Ông cam kết Washington sẽ tăng cường khả năng phòng thủ và tiếp tục sử dụng mọi yếu tố làm nên sức mạnh quốc gia để “tiêu diệt và khống chế các mối đe dọa từ những kẻ cực đoan bạo lực, cho dù bọn chúng ở Afghanistan, Pakistan, Yemen, Somalie hay bất kỳ nơi nào mà bọn chúng mượn làm bàn đạp chuẩn bị các cuộc tấn công vào lãnh thổ nước Mỹ và giết hại những thường dân vô tội”.

Theo các nhà quan sát, ông chủ Nhà Trắng tuy không đề cập đến mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda hay phe Taliban vốn là mục tiêu chính trong cuộc chiến chống khủng bố gây nhiều tranh cãi từ thời George Bush sau sự kiện ngày 11-9-2001, nhưng lại bao hàm cả một thế lực lớn trên quy mô toàn cầu: những kẻ cực đoan bạo lực. Cuộc chiến này chắc chắn sẽ khó khăn hơn, bởi các thế lực cực đoan bạo lực không chỉ bao gồm al-Qaeda, Taliban mà cả các nhóm cảm tình của chúng. Ông Obama, người mà từ khi lên nắm quyền đã tránh sử dụng cụm từ “cuộc chiến chống khủng bố”, phải chăng sẽ tiếp tục chính sách chống khủng bố không có giới hạn từ người tiền nhiệm trước sức ép của dư luận và đảng Cộng hòa sau vụ đánh bom bất thành vừa qua?

Trên thực tế, ngoài cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan và Pakistan, chống phe nổi dậy ở Iraq, nước Mỹ của ông Obama trong vòng một năm qua vẫn duy trì chính sách chống khủng bố tại nhiều sào huyệt của al-Qaeda ở châu Phi như Somalie, Yemen, Mali thông qua các hoạt động tác chiến bí mật, hỗ trợ thông tin tình báo, giúp đào tạo quân đội và trang bị vũ khí. Chẳng hạn năm nay, Lầu Năm Góc viện trợ cho Yemen 70 triệu USD và đang giúp quân đội nước này mở chiến dịch tấn công vào nơi ẩn náu của các nghi can khủng bố.

Việc Washington tăng cường hỗ trợ năng lực chống khủng bố cho các nước còn yếu kém về nhân lực và trang thiết bị quân sự là điều đáng mừng, song người ta lo ngại sự hiện diện quân sự của Mỹ trong quá trình hợp tác chống khủng bố sẽ càng lôi kéo các thế lực cực đoan tham gia mạng lưới al-Qaeda. Fatoumata Maiga, nhà hoạt động nhân quyền tại Mali, cho biết bà không phản đối việc Mỹ đào tạo cho quân đội Mali, nhưng không muốn binh sĩ Mỹ hiện diện tại nước này, bởi vì “nhìn quanh thế giới cho thấy, ở bất cứ nơi nào có lính Mỹ thì nơi đó sẽ có sự xuất hiện của al-Qaeda”. Điều này đúng với trường hợp Iraq sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, cũng như với Pakistan hiện nay.

Chính quyền Obama từng cam kết sẽ sử dụng “sức mạnh thông minh” trong chính sách đối ngoại nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhưng xem ra trong cuộc chiến chống khủng bố, họ chưa có chiến lược gì mới so với thời ông Bush. Nói cách khác, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ của đương kim chủ nhân Nhà Trắng, Mỹ vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trong cuộc chiến này.

KIẾN HÒA
(Theo McClatchy, AFP, Reuters, Atimes)

KIẾN HÒA (Theo McClatchy, AFP, Reuters, Atimes)

Chia sẻ bài viết