20/06/2013 - 09:11

Tổng thống Obama có bài phát biểu lịch sử tại Berlin

Tổng thống Obama được học sinh Đức đón chào tại Berlin ngày 19-6. Ảnh: Reuters

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) tại Bắc Ireland kết thúc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân Michelle và hai cô con gái đã đến Thủ đô Berlin của nước Đức vào tối 18-6.

Trong chuyến thăm Đức kéo dài 26 giờ đồng hồ đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama ngoài cuộc họp cấp cao chính thức với Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Joachim Gauck cùng lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội đối lập Peer Steinbrueck còn có bài phát biểu quan trọng nói về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Cổng chào Brandenburg ở trung tâm Thủ đô Berlin. Cách đây 50 năm (1963), cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã từng có bài phát biểu lịch sử nói về cuộc chiến “một mất một còn” giữa phương Tây và Liên bang Xô-viết. Các đời tổng thống Mỹ từ Ronald Reagan cho đến Bill Clinton cũng đã “mượn” Berlin làm nơi tuyên truyền chính sách tự do dân chủ và liên minh quốc tế của Washington.

Lần này, ông chủ Nhà Trắng gởi đi thông điệp “hành động” của  phương Tây, trong đó nhấn mạnh đến liên minh bền vững xuyên Đại Tây Dương để giải quyết những thách thức trong thế kỷ 21. Vấn đề trọng tâm nhất trong bài phát biểu của ông Obama là đưa ra lời kêu gọi mới cắt giảm kho vũ khí hạt nhân trên thế giới, sau đó là vấn đề biến đổi khí hậu, chống khủng bố và thúc đẩy các giá trị dân chủ của phương Tây. Cụ thể, ông Obama đã đề xuất Nga và Mỹ cùng cắt giảm 1/3 kho vũ khí hạt nhân (tức có thể giảm từ 1.000 đến 1.100 đầu đạn hạt nhân), đồng thời kêu gọi thế giới phải có hành động tương tự.

Trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 vừa qua, ông Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ ký một thỏa thuận về đảm bảo an toàn và tiêu hủy nguyên liệu hạt nhân nhằm ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận mới này sẽ thay thế thỏa thuận năm 1992 hết hạn từ ngày 17-6.

Trong buổi hội đàm với Thủ tướng Merkel, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Đức thảo luận tình hình cuộc nội chiến ở Syrie và tương lai Afghanistan, hiệp định thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng vấn đề đặc biệt liên quan đến chương trình gián điệp gây chấn động dư luận của Mỹ. Hãng tin Pháp AFP cho rằng, sự hiện diện của ông Obama tại Berlin là một cơ hội để bà Merkel củng cố vị thế trong nước trước thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới.

THÁI VI (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết