14/06/2010 - 08:25

Tồn tại hay không tồn tại?

Trụ sở ECB tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP

Juergen Stark, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hồi cuối tuần rồi đã dè bỉu ý niệm đồng euro có thể tan rã. Theo ông, ý định thay thế đồng tiền này “sẽ không đi tới đâu”.

Phát biểu tại một hội nghị do hãng tin Reuters tổ chức, ông Stark nói không chỉ riêng khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đối mặt với vấn đề nợ công mà cả thế giới đều vậy, bởi đây là “một phần trong giai đoạn mới” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát từ năm 2007. Thậm chí ông còn cho rằng thâm hụt ngân sách (gần 7% GDP) và nợ công (xấp xỉ 90% GDP) của eurozone thấp hơn đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác. Hơn nữa, tỷ lệ tiết kiệm của eurozone cao nên họ dư sức tài trợ cho các khoản thâm hụt. Ông cũng khẳng định không có nguy cơ đồng tiền này mất giá.

Tuy nhiên, hình như ông Stark quên rằng qui định của eurozone là các nước thành viên phải kiềm chế thâm hụt ngân sách ở mức không quá 3% GDP, nợ công tối đa 60% GDP. Còn tính từ đầu năm tới nay, đồng euro đã mất khoảng 15% giá trị so với đô-la Mỹ, trong đó có lúc 1 euro chỉ đổi được 1,1875 USD, mức thấp nhất trong 4 năm qua.

Và gần như “song ca” với ông Stark, cùng ngày, một lãnh đạo khác của ECB là Mario Draghi cũng tuyên bố các thị trường tài chính đang bắt đầu hiểu rằng đồng euro sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Dĩ nhiên là không phải vô duyên vô cớ mà hai ông Stark và Draghi đồng loạt lớn tiếng bênh vực một trong những biểu tượng của sự nhất thể hóa châu Âu. Gần đây đã xuất hiện không ít lời ra tiếng vào về sự tồn tại hay không tồn tại của đồng euro. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại Anh hôm 11-6 đã dự báo đồng euro sẽ “chết” trong 5-10 năm tới. Trước đó, một cuộc khảo sát của tờ Sunday Telegraph đối với các chuyên gia kinh tế xứ sương mù cho thấy có gần 50% người được hỏi tin rằng đồng tiền này còn “sống” không quá 5 năm nữa.

Tuy vậy, những người ủng hộ đồng euro vẫn có cái để không quá nao núng, bởi cả hai khảo sát trên đều được thực hiện tại Anh, một thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhưng khăng khăng không chịu xài đồng tiền chung. Mặt khác, Thủ tướng Nga Vladimir Putin hồi giữa tuần rồi đã lên tiếng “nói giúp” eurozone. Cụ thể là ông Putin bác bỏ tin Nga đang rút vốn khỏi đồng euro (hiện chiếm 40% trong dự trữ ngoại hối 458 tỉ USD của nước này) và cho rằng khó khăn với đồng euro chỉ là tạm thời. Rồi chỉ 6 tháng nữa thôi eurozone sẽ đón thêm thành viên thứ 17 là Estonia. Chưa hết, mới đây một quỹ bình ổn trị giá 1.000 tỉ USD đã được thành lập để cứu Hy Lạp cùng các thành viên đang ngập đầu trong nợ nần khác chẳng phải cũng là để hà hơi tiếp sức cho đồng euro đó sao?

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết