|
Tổng thống Bashar al-Assad trước nhiều sức ép trong và ngoài nước. Ảnh: arabnews.com |
Tình hình bất ổn tại Syrie càng thêm rối ren khi liên tục xuất hiện những thông tin gây bất lợi cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Al-Qaeda ồ ạt xâm nhập Syrie
Hôm 5-7, Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari đã lên tiếng cảnh báo rằng, ông nhận được “những thông tin đáng tin cậy” về việc các tay súng al-Qaeda đang từ Iraq xâm nhập Syrie nhằm thực hiện các vụ tấn công tại đây. Thông tin trên được xem là lời cảnh báo mới nhất về tình trạng bạo lực lan tràn ở các quốc gia, có thể khuấy động khu vực Trung Đông vốn bất ổn bấy lâu nay.
“Chúng tôi nhận được thông tin tình báo đáng tin cậy cho rằng các thành viên của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đang tiến vào Syrie. Mối quan tâm lớn của chúng tôi hiện nay là tình trạng lan rộng các phần tử cực đoan, nhóm khủng bố vốn đang bén rễ ở những quốc gia láng giềng”- ông Zebari nhấn mạnh. Theo Ngoại trưởng Iraq, Baghdad nhiều năm đã thúc giục Damas tăng cường kiểm soát các phần tử cực đoan khi mà các tay súng nổi dậy theo đạo Hồi giáo dòng Sunni dẫn đầu ở Syrie hỗ trợ các cuộc nổi dậy ở Iraq. Bên cạnh đó, ông Zebari cũng cho rằng tình trạng bạo lực leo thang gần đây ở Iraq là do cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng bao trùm Syrie.
Wikileaks bắt đầu tung các tài liệu mật về Syrie
Tình hình Syrie càng trở nên phức tạp hơn khi trang mạng Wikileaks thông báo sẽ cho đăng tải hơn 2,4 triệu email mật của các quan chức Chính phủ Syrie kể từ ngày 5-7. Phát ngôn viên của Wikileaks, bà Sarah Harrison cho biết: “Hiện nay, Wikileaks bắt đầu cho xuất bản các tài liệu của Chính phủ Syrie bao gồm hơn 2 triệu email của các nhân vật chính trị, quan chức ở các bộ và các công ty có liên quan đến Syrie từ tháng 8-2006 đến 3-2012”. Theo Wikileaks, bộ hồ sơ có tên “Tài liệu Syrie” sẽ soi rõ hoạt động nội bộ của chính phủ và kinh tế Syrie, các quan chức chính phủ giao dịch tài chính với nước ngoài ra sao, đồng thời cho thấy phương Tây và các doanh nghiệp nước ngoài đã “nói một đằng làm một nẻo như thế nào” ở Syrie. Các email trên được viết bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có khoảng 400.000 email bằng tiếng A-rập và 68.000 email sử dụng tiếng Nga. Wikileaks cho biết thêm, thông tin đầu tiên của tập tài liệu là việc công ty SELEX Elsag thuộc tập đoàn công nghệ quốc phòng Finmeccanica của Ý đã bán thiết bị truyền thông cho Chính phủ Syrie cũng như đã cử các chuyên viên của họ đến Damas trong 2 tháng để huấn luyện sử dụng thiết bị.
Nga Trung Quốc tẩy chay hội nghị “Những người bạn của Syrie”
Trong nỗ lực tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mới nhằm gây sức ép đối với Tổng thống Bashar al-Assad, hội nghị “Những người bạn của Syrie” với sự góp mặt của phương Tây và các nước A-rập, đã được tổ chức tại Thủ đô Paris (Pháp) ngày 6-7. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã không tham dự và lên tiếng tẩy chay hội nghị trên. Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov hôm 5-7 cho rằng Mát-xcơ-va không có ý định cho phép Tổng thống al-Assad tị nạn chính trị tại đây và gọi những tin đồn trên là “một trò đùa”. Ông Lavrov cho biết, ông rất ngạc nhiên khi biết một số nước tin rằng Nga sẽ đưa Tổng thống Syrie tới Mát-xcơ-va “để giúp giải quyết tất cả những vấn đề đặt ra với nhân dân Syrie hiện nay”. Theo ông Lavrov, những tin đồn như thế này là âm mưu tồi tệ nhằm đánh lạc hướng dư luận và hiểu sai về quan điểm của Nga.
Trong một diễn biến khác, cũng hôm 5-7, hãng tin Anh Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an (HĐBA) tiếp tục duy trì sứ mệnh giám sát của họ tại Syrie trong khi tạm thời cắt giảm số lượng các quan sát viên không vũ trang tại đây. Theo các nhà ngoại giao, quyết định trên nhằm thay đổi trọng tâm của sứ mệnh từ quan sát lệnh ngừng bắn gần như không còn tồn tại sang nhiệm vụ hỗ trợ những nỗ lực đảm bảo cho một giải pháp chính trị, mà các cường quốc trên thế giới cho là cách duy nhất để chấm dứt khủng hoảng tại Syrie. Đề nghị trên của Tổng Thư ký LHQ sẽ bao gồm một báo cáo về những lựa chọn cho tương lai sứ mệnh của LHQ tại Syrie, vốn được biết với tên gọi UNSMIS. Những bất đồng sâu sắc giữa các thành viên trong HĐBA đã buộc LHQ phải đưa ra quyết định về những việc cần phải thực hiện với UNSMIS trước ngày 20-7. Nga và Trung Quốc cho biết họ muốn LHQ duy trì sứ mệnh LHQ tại Syrie. Trong khi đó, Mỹ cùng các thành viên châu Âu và các quốc gia khác cho rằng việc giữ lại hàng trăm quan sát viên quân sự cho việc giám sát lệnh ngừng bắn không còn hiệu lực tại quốc gia Trung Đông này là “điều vô nghĩa”.
THANH BÌNH (Theo AP, AFP, Reuters, TTXVN)