22/02/2024 - 15:28

Tin tức thế giới ngày 22-2 

Đức: Thiếu hụt lao động là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế 

Ngày 21-2, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động.

Bộ trưởng Habeck đưa ra nhận định này sau khi Chính phủ Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống 0,2%, giảm mạnh so với mức 1,3% dự báo trước đó trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và lạm phát cao dai dẳng làm giảm kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng. Theo Bộ trưởng Habeck, với việc khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5% nếu đất nước không giải quyết được vấn đề này. Ông cũng cho biết thêm các vị trí việc làm bị trống có thể sẽ tăng lên khi dân số tiếp tục già đi.

Các ước tính chính thức cho thấy xã hội già hóa của Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động lành nghề vào năm 2035. Do đó, Chính phủ Đức đã đề xuất cung cấp các ưu đãi tài chính cho những người muốn làm việc lâu hơn và linh hoạt hơn khi về già. Theo Bộ trưởng Habeck, Đức cũng cần thu hút người nhập cư bằng cách giải quyết nhanh gọn thủ tục cấp thị thực, tăng các khóa học ngôn ngữ.

Hiện Đức đã đưa ra một số luật để thu hút lao động nhập cư như rút ngắn thời gian trở thành công dân Đức, đẩy nhanh thủ tục cấp thị thực và công nhận bằng cấp nước ngoài.

Đức đã đề xuất các ưu đãi tài chính để giữ chân người già trong lực lượng lao động. Ảnh: WSJ


Indonesia giảm gần 50% số lượng công chức điều chuyển đến thủ đô mới

Việc di dời công chức từ Jakarta đến thủ đô tương lai Nusantara của Indonesia sẽ được tiến hành với tốc độ chậm hơn kế hoạch, vì chính phủ nước này đã giảm gần một nửa số lượng công chức dự kiến được điều chuyển so với mục tiêu ban đầu.

Theo đó, Chính phủ Indonesia đã cắt giảm mục tiêu điều chuyển công chức cấp cao tới thủ đô mới trong năm 2024 xuống còn 6.000 người, từ con số dự kiến ban đầu là hơn 11.900 người.

Ngày 21-2, Bộ trưởng Bộ máy nhà nước và Cải cách hành chính Indonesia, Abdullah Azwar Anas, cho biết nhà ở đã sẵn sàng cho các quan chức cấp I đã lập gia đình. Những công chức khác có thể ở cùng nhà trong khi chờ đợi các tòa nhà được hoàn thành. Bộ trưởng Anas cho hay ngoài nhà ở chung, thủ đô mới cũng sẽ áp dụng khái niệm không gian làm việc chung cho các bộ và cơ quan.

Chính phủ Indonesia có kế hoạch di dời công chức theo 3 giai đoạn tới thủ đô mới đang được xây dựng ở tỉnh Đông Kalimantan của nước này, với tổng cộng 648 quan chức cấp cao, bao gồm tổng thư ký, tổng thanh tra, tổng giám đốc và chủ tịch các cơ quan sẽ được chuyển tới Nusantara. 

Giai đoạn 1 của quá trình di dời nói trên ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 7-2024, nhưng đã bị lùi lại đến sau lễ Ngày Độc lập theo kế hoạch ở Nusantara (17-8), giữa lúc Tổng thống Joko Widodo hy vọng sẽ đưa một phần của thủ đô mới đi vào hoạt động.

Phối cảnh một góc thủ đô mới Nusantara của Indonesia. Ảnh: AFP


Tướng Nigeria cảnh báo nguy cơ ECOWAS bị chia rẽ

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, người đồng sáng lập Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Tướng Yakubu Gowon của Nigeria, cảnh báo nguy cơ tổ chức này bị chia rẽ nghiêm trọng liên quan tới các cuộc đảo chính tại nhiều nước châu Phi.

Phát biểu ngày 21-2 tại một họp của ECOWAS tại thủ đô Abuja của Nigeria, tướng Gowon kêu gọi các nhà lãnh đạo Tây Phi xem xét việc "dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Burkina Faso, Guinea, Mali và Niger" - là những nước đã để xảy ra đảo chính. Ông cũng đồng thời hối thúc các nước Mali, Burkina Faso và Niger rút lại tuyên bố từ bỏ khối này, đưa ra vào tháng trước. Đây cũng là 3 nước thành viên sáng lập ECOWAS, ra đời vào năm 1975.

Tình trạng hỗn loạn trong khu vực đang đặt ra câu hỏi về vai trò của ECOWAS.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết