18/09/2023 - 15:26

TIN TỨC THẾ GIỚI 18-9 

Hàn Quốc tăng cường kiểm tra phóng xạ trong nước biển

Ngày 18-9, Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc thông báo sẽ tăng cường các cuộc kiểm tra khẩn cấp về phóng xạ trong nước biển để giảm bớt lo ngại của người dân về việc Nhật Bản xả nước thải ô nhiễm đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

Từ cuối tháng 7, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu kiểm tra phóng xạ các mẫu lấy từ tổng cộng 75 địa điểm ven biển ở khu vực phía Đông, phía Tây và phía Nam Hàn Quốc. Các địa điểm được lựa chọn lấy mẫu là những điểm có khả năng bị ô nhiễm theo dòng hải lưu. Ngoài 75 điểm đã được chỉ định tiến hành lấy mẫu từ tháng 7, Bộ Hải dương sẽ bổ sung thêm nhiều địa điểm vào danh sách nhằm đảm bảo an toàn hơn nữa. Hàn Quốc cũng đã tiến hành thử nghiệm đo mức độ phóng xạ tại 33 điểm ở các khu vực xa hơn và có kế hoạch nâng số điểm thử nghiệm lên gần 250 vào năm tới.

Bộ Hải dương cho biết đến nay, tất cả các mẫu lấy để xét nghiệm đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và không phát hiện phóng xạ ở hải sản trong nước hoặc hải sản nhập khẩu. Chính phủ Hàn Quốc đã huy động lực lượng chuyên gia từ nhiều tổ chức trong nước như Viện Nghiên cứu Địa cực Hàn Quốc, để tiến hành các cuộc thử nghiệm rộng rãi và chỉ mất vài ngày để có kết quả phân tích. 

Từ tháng 8, giới chức Hàn Quốc đã tiến hành đợt kiểm tra chuyên sâu kéo dài 100 ngày về nguồn gốc xuất xứ thủy sản nhập khẩu nhằm trấn an người dân về an toàn thực phẩm.

Biến đổi khí hậu đang cản trở nỗ lực giải quyết các bệnh AIDS, lao và sốt rét

Ảnh: Getty Images

Ngày 18-9, Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét đã công bố báo cáo, trong đó cảnh báo rằng tình trạng biến đổi khí hậu và xung đột đang cản trở những nỗ lực giải quyết 3 trong số các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao nhất thế giới. 

Theo báo cáo, phần lớn các sáng kiến quốc tế về phòng chống các bệnh truyền nhiễm trên đã tiếp tục được thực hiện sau khi chịu tác động của đại dịch COVID-19, song gặp nhiều khó khăn hơn do sự kết hợp của các cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu. Ví dụ, sốt rét đang lan rộng ở các khu vực có địa hình cao tại châu Phi, nơi trước đây thường quá lạnh nên muỗi mang ký sinh trùng không gây bệnh được, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt đang khiến dịch vụ y tế quá tải, di dời dân cư, làm bùng phát bệnh truyền nhiễm và gián đoạn công tác chữa trị ở nhiều khu vực. Theo quỹ trên, ở các quốc gia như Sudan, Ukraine, Afghanistan, việc tiếp cận các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng là một thách thức lớn do tình trạng mất an ninh.

Giám đốc điều hành Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, ông Peter Sands cảnh báo những thách thức ngày càng tăng của tình trạng biến đổi khí hậu và xung đột có thể khiến thế giới bỏ lỡ mục tiêu chấm dứt các bệnh AIDS, lao và sốt rét vào năm 2030 mà không có “những bước tiến đặc biệt”. Mặc dù vậy, ông Sands cho rằng vẫn có một số mặt tích cực. Cụ thể, năm 2022, số người được điều trị bệnh lao tại các nước mà quỹ này đầu tư đạt 6,7 triệu người, cao nhất từ trước tới nay và nhiều hơn 1,4 triệu người so với năm trước đó. Quỹ cũng đã giúp 24,5 triệu người được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV và phân phối 220 triệu màn chống muỗi. Ông Sands cũng cho rằng vẫn còn hy vọng, một phần nhờ có các công cụ chẩn đoán và phòng ngừa tiên tiến.

Dự kiến, trong tuần này, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ tiến hành một cuộc họp cấp cao về bệnh lao và các chuyên gia hy vọng các nỗ lực phòng chống căn bệnh này sẽ được chú trọng hơn.

Lũ lụt tại Libya: Tình cảnh khó khăn của người bị nạn

Hàng hóa viện trợ đang được chuyển đến nạn nhân lũ lụt tại Libya. Ảnh: Reuters

Tiếp tục ở lại và đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, hay hòa vào dòng người sơ tán lánh nạn và phải cảnh giác mối nguy từ các loại bom mìn và vật liệu nổ trôi theo dòng nước lũ. Đó là tình cảnh của nhiều người sống sót sau thảm họa lũ lụt ở thành phố Derna phía Đông Libya tuần trước.

Hàng nghìn người ở Derna - thành phố có khoảng 120.000 dân - đã mất mạng khi hai đập nước bất ngờ bị vỡ ngày 10/9 vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão mạnh. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) dẫn số liệu của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này lên tới 11.300 người. Tuy nhiên, người phát ngôn của OCHA Eri Kaneko nhấn mạnh khó xác định con số chính xác khi thành phố Derna vẫn ngổn ngang trong đống đổ nát và lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm người mất tích. Người phát ngôn này nêu rõ cho đến nay Tổ chức Y tế thế giới đã xác nhận 3.922 người thiệt mạng.

Truyền thông Libya đưa tin ít nhất 891 tòa nhà ở thành phố Derna đã bị phá hủy, thậm chí thị trưởng thành phố cho rằng có thể 20.000 người đã thiệt mạng.Trong khi đó, nhà chức trách Libya xác nhận 150 người đã bị nhiễm độc do nước bị ô nhiễm ở các vùng lũ lụt. Con số này sẽ còn tăng thêm nếu những người sống sót sau thảm họa không được đảm bảo tiếp cận nguồn nước sạch trong bối cảnh dịch bệnh sau lũ rình rập bùng phát. 

Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Di cư quốc tế, hơn 40.000 người dân tại thành phố Derna đã sơ tán lánh nạn, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn.

Trong bối cảnh đó, nhiều nước láng giềng, khu vực và quốc tế đã triển khai lực lượng cứu hộ và hàng hóa viện trợ đến Libya, hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả thiên tai.

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết