24/09/2019 - 02:57

Tín dụng chính sách là một trong những trụ cột của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 

(CT)- Sáng 23-9-2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, chủ trì Hội nghị trực tuyến về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Dự tại điểm cầu TP Cần Thơ có ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ thừa ủy nhiệm trao giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam cho các tập thể và cá nhân.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ thừa ủy nhiệm trao giấy khen của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam cho các tập thể và cá nhân.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách. Phó Thủ tướng đề nghị tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH); có cơ chế chính sách để tiếp tục bố trí riêng danh mục vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 2 ngân hàng của Chính phủ là NHCSXH và Ngân hàng Phát triển Việt Nam; nghiên cứu đề xuất hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ có bảo lãnh phù hợp với tình hình quản lý nợ công và nhu cầu chính sách. Bên cạnh đó, có cơ chế để NHCSXH tự huy động nguồn vốn trong xã hội, tập trung cho vay hộ mới thoát nghèo với thời hạn cho vay được nâng lên; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm sự ổn định bền vững của NHCSXH; chủ động tiếp thu các ý kiến đề xuất để hoàn thiện cơ chế chính sách triển khai nguồn tín dụng chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, HĐND, UBND các địa phương cần tiếp tục bố trí nguồn vốn phù hợp từ ngân sách ủy thác sang NHCSXH cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tối thiểu mỗi địa phương phải chuyển được 100 tỉ đồng ủy thác qua ngân hàng. Đối với 16 tỉnh cân đối được ngân sách, ít nhất phải ủy thác sang NHCSXH cho vay được 500 tỉ đồng. Trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng tín dụng NHCSXH hằng năm phải đạt tối thiểu 10%...

Từ năm 2016 đến cuối tháng 8-2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỉ đồng, góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà cho hộ nghèo. Tín dụng chính sách đã góp phần đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, đóng góp vào thành quả giảm nghèo của cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,23% xuống còn 5,23% (bình quân mỗi năm giảm 1%).

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho 45 tập thể (trong đó có Chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ) và 5 cá nhân; Tổng Giám đốc NHCSXH tặng giấy khen cho 136 tập thể và 150 cá nhân (TP Cần Thơ có 2 tập thể và 3 cá nhân).

Tin, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết