08/08/2017 - 10:37

Tìm “danh phận” cho vợ, Tổng thống Pháp bị chỉ trích

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt làn sóng phản đối của dư luận sau thông tin ông có kế hoạch xác lập vị trí chính thức cho chức danh Đệ nhất Phu nhân.

Theo Guardian, đã có hơn 150.000 người ký vào bản kiến nghị chống lại kế hoạch mà nếu thông qua, vợ của Tổng thống Macron là bà Brigitte Macron sẽ được cấp văn phòng, nhân viên và nhận một khoản trợ cấp từ công quỹ.

Tổng thống Pháp và phu nhân Brigitte Macron. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Pháp và phu nhân Brigitte Macron. Ảnh: Getty Images

Được biết, Tổng thống Macron trong chiến dịch tranh cử từng đề cập việc trao cho Đệ nhất Phu nhân một vị trí chính thức. Trong đó, ông Macron cho rằng bạn đời của tổng thống nên có một địa vị và được công nhận cho vai trò đó, thay vì mô-típ mà vị tổng thống này chỉ trích là “đạo đức giả kiểu Pháp” như trước nay. Theo Guardian, Hiến pháp Pháp không công nhận Đệ nhất Phu nhân là vị trí chính thức dù danh xưng này vẫn được giới truyền thông sử dụng khi đề cập đến vợ của tổng thống. Tuy nhiên, họ vẫn được phép có văn phòng, phụ tá và nhân viên an ninh riêng. Tất cả các khoản nói trên được Điện Élysée chi trả với số tiền mỗi năm ước tính khoảng 531.000 USD. Trường hợp xác lập vị trí Đệ nhất Phu nhân thành danh hiệu chính thức sẽ đòi hỏi phải có ngân sách riêng.

Kế hoạch này ngay lập tức dấy lên sự phản đối từ công chúng, đặc biệt giữa thời điểm ông Macron đang chuẩn bị thực thi luật “đạo đức”, trong đó nghiêm cấm các nghị sĩ tuyển vợ con và thành viên gia đình làm trợ lý. Theo Guardian, những người phản đối cho rằng không có lý do gì để lấy ngân sách quốc gia chi trả cho vợ của nguyên thủ. Có người chỉ ra rằng việc bà Brigitte hiện đã có 2 hoặc 3 trợ lý, 2 thư ký cùng hai nhân viên an ninh là quá đủ.

Người khởi xướng bản kiến nghị Thierry Paul Valette cũng nói rõ, việc phản đối không phải là hành động công kích cá nhân hoặc nhắm vào năng lực của bà Brigitte. Thay vào đó, người này cho rằng bạn đời của tổng thống vốn không qua bầu cử trong khi xác lập vị trí chính thức như vậy sẽ tạo ra địa vị pháp lý cho phép họ tùy ý sử dụng vai trò của mình. Ông Valette nói thêm, bất kỳ quyết định nào về vấn đề này đều không phải chỉ là sắc lệnh của tổng thống, mà cần thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Trong khi đó, nghị sĩ Daniel Fasquelle thuộc đảng trung hữu Những người Cộng hòa (LR) nói rằng, diễn biến này cho thấy ông Macron đang phải “trả giá” vì sự thiếu kinh nghiệm trên chính trường. Hiện tại, các cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron đang sụt giảm sau những công bố về cắt giảm ngân sách, dự luật cải cách lao động gây tranh cãi và mâu thuẫn với giới lãnh đạo quân đội thời gian gần đây.

Cụ thể, tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông Macron hồi tháng rồi tiếp tục giảm 7 điểm khi chỉ có 36% người dân Pháp được hỏi cho biết họ hài lòng với chính sách và tin tưởng nhà lãnh đạo trẻ. Theo Viện Thăm dò dư luận Pháp (IFOP), ngoài cựu Tổng thống Jacques Chirac năm 1995 thì ông Macron là vị tổng thống có chỉ số tín nhiệm sụt giảm nhanh nhất sau 3 tháng đầu cầm quyền. 

Tại châu Âu, phu quân của Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Thủ tướng Anh Theresa May đều không có một vị trí chính thức trong chính quyền.

Còn ở Mỹ, theo luật, Đệ nhất Phu nhân Melania Trump có được danh xưng chính thức và đội ngũ nhân viên 12 người.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết