11/03/2010 - 21:48

Tiến thoái lưỡng nan!

Báo Bưu điện Washington mới đây cho biết xung đột đang diễn ra tại Lầu Năm Góc khi nhiều tướng lĩnh không muốn tiếp tục thực hiện một chương trình vũ khí tốn kém, nhưng cũng không thể bỏ. Đó là kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 19 tỉ USD mà nước này đang hợp tác với Đức và Ý.

Chương trình được gọi là Hệ thống phòng không mở rộng tầm trung (MEADS), đã khởi động hơn 10 năm qua nhằm mục đích thay thế một phần hệ thống tên lửa Patriot cũ kỹ của lục quân Mỹ. MEADS được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tên lửa hành trình, cũng như bắn hạ chiến đấu cơ và máy bay không người lái. Khác với Patriot, MEADS, dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2018, có thể di động và được vận chuyển khắp chiến trường, với dàn radar xoay 360o tìm mục tiêu ở bất kỳ hướng nào. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay, MEADS đã nhiều lần “thoát” được kế hoạch cắt bỏ hoặc tinh giản những chương trình vũ khí quy ước bị cho là chậm tiến độ và chi phí gia tăng. Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã thẳng tay loại bỏ chương trình phát triển máy bay phản lực F-22.

Tuy nhiên, các tướng lĩnh lục quân Mỹ gần đây lại phàn nàn rằng MEADS đã trở nên quá tốn kém, mất quá nhiều thời gian để sản xuất và khó quản lý, vì bất kỳ sự thay đổi nào trong chương trình này đều phải được Đức và Ý thông qua. Theo họ, nếu không có những thay đổi lớn và tốn kém, MEADS sẽ không giải quyết được các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai đối với nước Mỹ.

Bất chấp sự lo ngại của lục quân, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục thúc đẩy thực hiện MEADS và đã yêu cầu Quốc hội thông qua 467 triệu USD phát triển hệ thống trong năm 2011. Lý do chính để tiếp tục dự án là vì nếu ngưng ngay thì cũng... quá tốn kém. Nếu Bộ Quốc phòng hủy chương trình vào thời điểm này, họ phải bồi thường từ 550 triệu tới 1 tỉ USD cho các nhà thầu, một tổ hợp quốc tế do hãng Lockheed Martin (Mỹ) dẫn đầu. Mặt khác, các chuyên gia quốc phòng còn lo ngại hủy bỏ kế hoạch có thể ảnh hưởng tới quan hệ giữa Mỹ với Đức và Ý, vốn đang muốn thay đổi hệ thống phòng thủ tên lửa lỗi thời của họ.

Điều buồn cười là hệ thống vũ khí này được thiết kế để “tiết kiệm tiền” trong dài hạn, bằng cách chia sẻ gánh nặng chi phí giữa các đồng minh NATO. Tuy nhiên, chỉ với 3 nước hợp tác đã gây ra sự phức tạp cho dự án, khi các tướng lĩnh Mỹ cảm thấy bị ràng buộc với các đối tác. Lục quân Mỹ cho biết họ sẽ sớm đưa ra quyết định liệu sẽ tiếp tục giám sát việc phát triển MEADS hoặc chuyển giao trách nhiệm này cho Cơ quan phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc. Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận họ không muốn ép lục quân thực hiện MEADS, nhưng không có cách “thoát” dễ dàng. Họ không muốn trả chi phí cho tới khi hoàn thành dự án, nhưng không thể buộc Đức hoặc Ý tăng cường chia sẻ gánh nặng. Theo thỏa thuận năm 2004, Mỹ chịu 58% chi phí phát triển MEADS, trong khi Đức 25% và Ý chỉ 17%.

Trong hoàn cảnh này, rõ là Lầu Năm Góc muốn bỏ MEADS cũng dở mà cố níu kéo thì cũng không xong.

N. KIỆT

Chia sẻ bài viết