13/05/2019 - 05:58

Thương chiến Mỹ- Trung và cuộc đua vào Nhà Trắng 

Ông Donald Trump hôm 11-5 đã kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng đáp ứng những yêu cầu của Washington về thương mại, bằng không sẽ phải đối mặt với một thỏa thuận tồi tệ hơn nếu đàm phán kéo dài đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Theo ông, trong các cuộc đàm phán gần đây, Bắc Kinh “bị đánh tả tơi” tới mức họ muốn đợi đến sau cuộc đua vào Nhà Trắng với hy vọng một Tổng thống đảng Dân chủ sẽ cho họ một hiệp định tốt hơn. Nhưng Tổng thống Trump tự tin ông sẽ lại chiến thắng và Trung Quốc càng gặp khó khăn hơn trong thương lượng.

Người trồng đậu nành Mỹ gặp khó vì thương chiến với Trung Quốc. Ảnh: AP

Người trồng đậu nành Mỹ gặp khó vì thương chiến với Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo các nhà phân tích, với tuyên bố có thể áp thuế 25% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (trị giá 543 tỉ USD hồi năm ngoái) từ mức 250 tỉ USD hiện nay, Tổng thống Mỹ đang đánh cược với cuộc đua giành thêm một nhiệm kỳ nữa. Ông Trump có niềm tin rằng kinh tế Mỹ đang mạnh, đủ sức hóa giải những hậu quả, thậm chí hưởng lợi từ thương chiến. “Đánh thuế sẽ làm cho đất nước chúng ta mạnh hơn nhiều, chứ không phải yếu hơn. Chỉ cần ngồi đó mà xem”, ông viết trên Twitter.

Thực tế là bức tranh kinh tế Mỹ hiện có nhiều gam màu sáng. Bất chấp việc trước đó chính phủ phải đóng cửa 5 tuần (dài nhất trong lịch sử xứ cờ hoa), GDP của Mỹ quý I-2019 vẫn tăng trưởng ấn tượng 3,2%. Thị trường lao động nhộn nhịp với trung bình 213.000 việc làm được tạo ra mỗi tháng, đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục. Thị trường chứng khoán cũng khởi sắc trong khi Cục Dự trữ Liên bang có vẻ chấp nhận dừng tăng lãi suất như mong muốn của Tổng thống Trump.

Vấn đề là ông Trump có chuyển đổi được những lợi thế này thành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tháng 11 năm tới. Thật ra, dù kinh tế sáng sủa, tỷ lệ ủng hộ tổng thống chỉ đạt 46%, mức cao nhất kể từ khi ông vào Nhà Trắng đầu năm 2017 nhưng tương đối thấp so với các tiền nhiệm. Theo Giáo sư khoa học chính trị Helmut Norpoth tại Đại học Stony Brook, người đã dự đoán chính xác việc ông Trump đắc cử năm 2016, tỷ lệ ủng hộ tổng thống phải tăng dần lên vượt mức 50% để bảo đảm một chiến thắng nữa.

Trong khi đó, theo nhà quản lý quỹ Jamie Cox thuộc Harris Financial Group, về mặt kinh tế, vấn đề duy nhất đối với Tổng thống Trump là thương chiến Mỹ-Trung. Cox cho rằng nếu đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh thì khả năng thắng cử của ông Trump sẽ chắc chắn hơn nhiều.

Nhưng nếu Bắc Kinh không chịu nhượng bộ thì sao? Ngoài việc áp thuế cao đối với hàng hóa Mỹ hay thậm chí dừng mua nông sản Mỹ, Bắc Kinh cũng có thể trả đũa bằng cách phá giá đồng Nhân dân tệ để vô hiệu hóa việc Washington tăng thuế, hoặc bán tháo trái phiếu Mỹ. Trung Quốc hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, nắm giữ lượng trái phiếu trị giá 1.123 tỉ USD, theo Politico.

Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục nhắm vào nông sản Mỹ (nông sản Mỹ xuất sang Trung Quốc đã giảm từ gần 24 tỉ USD năm 2017 xuống còn 9,2 tỉ USD năm ngoái), tổn thất kinh tế chủ yếu rơi vào các bang thiên về nông nghiệp ở vùng Trung Tây, nơi cử tri đã đưa ông Trump vào Nhà Trắng. Theo tính toán của chuyên gia chính sách thương mại Daniel Ikenson tại Viện Cato, nếu áp thuế 25% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu tổn thất tới 135 tỉ USD, vị chi 400 USD/người. Như vậy, xem ra việc ông Trump hồi năm ngoái chỉ đạo chi 12 tỉ USD hỗ trợ nông dân và dự định mua 15 tỉ USD hàng nông sản viện trợ cho các nước nghèo đói vẫn không có nhiều ý nghĩa.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết