31/10/2019 - 14:47

Thương chiến Mỹ -Trung thúc đẩy RCEP 

Dưới sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, các nước châu Á đang có cơ hội hoàn thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) khi các nhà lãnh đạo gặp nhau tại thượng đỉnh ASEAN ở Thái Lan cuối tuần này.

Công tác chuẩn bị cho thượng đỉnh ASEAN tại Bangkok. Ảnh: Reuters

RCEP bắt đầu được đàm phán từ năm 2013 giữa 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 6 đối tác mà khối này đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Nếu thành công, RCEP sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất với 47,4% dân số thế giới, trên 30% GDP, 29,1% giá trị thương mại và 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu.

Dù vậy, tiến trình đàm phán đã bị chững lại do bất đồng giữa các nước thành viên, đặc biệt quan ngại của Ấn Độ về hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường nước này trong khi không đảm bảo New Delhi có sự tiếp cận tương tự với thị trường Trung Quốc. Nhưng trước tình hình thương chiến Mỹ-Trung ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và an ninh khu vực, giới quan sát nhận thấy các nước tham gia RCEP thời gian qua đã đẩy nhanh tốc độ đàm phán. Trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Thái Lan cho biết các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường trong tháng này đã hoàn tất 80% và các nước thành viên đã đồng ý với 14 trong tổng số 20 chương.

Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang cũng xác nhận tiến trình thảo luận giữa các bên đang trong giai đoạn nước rút và tiếp tục được xúc tiến trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 diễn ra từ ngày 2 đến 4-11 tại thủ đô Bangkok. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xác nhận tham dự hội nghị trong khi dẫn đầu đoàn Mỹ là Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. Trước đó, nhiều người dự đoán những vấn đề như yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông và người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar có thể trở thành “điểm nóng” trên bàn nghị sự. Nhưng với việc chủ nhà Thái Lan đang trông đợi vào tiến bộ đàm phán thương mại, giới phân tích và ngoại giao dự đoán RCEP vẫn là chương trình quan trọng nhất.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh không đơn độc chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, ít nhất là ở châu Á. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng ở 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN sẽ giảm xuống 4,8% trong năm nay. Dự báo tăng trưởng của Ấn Độ cũng không lạc quan khi giảm từ 6,8% xuống 6,1%. Hiện một số quốc từng dựa vào Mỹ như đối trọng trước ảnh hưởng của Bắc Kinh cũng không tránh được lo ngại nguy cơ thương chiến tương tự có thể xảy đến với họ. Đặc biệt, sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh ASEAN lần này càng khiến nhiều nước bất an hơn về cam kết của Washington đối với khu vực.

Cũng vì vậy, RCEP càng mang theo kỳ vọng tạo lực đẩy đối với thương mại khu vực chứ không chỉ là hiệp ước mang tính biểu tượng. Giám đốc dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy (Úc) Benjamin Bland cho rằng đạt thuận lợi trong đàm phán RCEP sẽ là minh chứng tốt nhất cho thấy các nước khu vực dù dưới áp lực căng thẳng Mỹ - Trung vẫn có thể duy trì tiến độ chương trình hội nhập. Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại châu Á (Singapore) Deborah Elms, cũng có thể coi căng thẳng thương mại là “dấu hiệu cảnh báo” châu Á cần một nền tảng chung và một nơi để thảo luận các vấn đề kinh tế.

VI VI (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết