 |
Thủ đô Beirut bị các thế lực bên ngoài “tranh chấp”. Ảnh: fmg.vna |
Theo đặc phái viên Adrien Jaulmes của tờ Le Figaro (Pháp), Thủ đô Beirut của Liban ngày nay sau 18 năm kết thúc cuộc nội chiến đang trở thành trung tâm của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa các thế lực tại Trung Đông với sự thao túng của Washington. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc Liban chưa bầu được tổng thống kế nhiệm ông Emile Lahud kể từ hơn 4 tháng qua và chính phủ của Thủ tướng thân phương Tây Fouad Siniora bị các bộ trưởng thân Syrie tẩy chay hơn một năm qua. Tại Beirut hiện nay, người ta dễ dàng nhận thấy tình trạng căng thẳng về an ninh bởi nhiều hàng rào bê tông che chắn hầu hết các tòa nhà công cộng, trên đường phố thì tràn ngập lều trại treo chân dung của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và đồng minh Michel Aoun như để phong tỏa cửa ngõ lưu thông trong nỗ lực muốn làm sụp đổ chính quyền Siniora. Trong khi đó, các cơ quan tình báo và phong trào chính trị hoạt động bất hợp pháp đã và đang bí mật tổ chức các vụ ám sát, đánh bom mà không hề để lộ tung tích.
Chính quyền Siniora, Israel và Mỹ cáo buộc tình báo Syrie đứng đằng sau tất cả các vụ ám sát chống những người thân phương Tây cũng như hậu thuẫn Hezbollah tẩy chay chính phủ và 16 lần trì hoãn cuộc bỏ phiếu bầu chọn tổng thống. Đáp trả lại cái gọi là sự dính líu trên của Damas, ông Siniora quyết định không cử đại diện nào của Liban tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Liên đoàn A-rập diễn ra tại Syrie trong hai ngày 29 và 30-3.
Về phần mình, Syrie bác bỏ mọi cáo buộc rằng họ cản trở tiến trình chính trị nội bộ tại Liban. Chính phong trào Hezbollah đã lần lữa bỏ phiếu bầu tướng Michel Suleiman làm tổng thống thay thế ông Lahud nhằm gây sức ép chống Thủ tướng Siniora. Việc một tư lệnh cấp cao của Hezbollah, ông Imad Mughniyeh, bị sát hại tại Syrie hồi tháng 2 vừa qua càng khiến phong trào này nổi giận. Ông Siniora có lẽ đã ủng hộ ý kiến của Israel và Mỹ rằng Syrie có thể đã thực hiện vụ tấn công nhằm phá hoại các nỗ lực hòa hợp tại Liban. Tuy nhiên, Hezbollah tin rằng chính tình báo Israel đã triệt hạ Mughniyeh. Không chỉ Hezbollah mà khối chính trị Cơ đốc giáo của Tướng Michel Aoun vốn chống lại sự hiện diện quân sự của Syrie tại Liban cũng nghi ngờ sự liên can của Israel. Tướng Aoun tố cáo chính sách ngoại giao can thiệp của Mỹ nhằm chống lại Hezbollah, lực lượng đại diện 1 phần 3 dân số Liban. Ông cũng chỉ trích Thủ tướng Siniora đánh mất cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Liban và Syrie bằng việc tẩy chay hội nghị thượng đỉnh khối A-rập.
Syrie cũng bị cáo buộc cho phép đồng minh Iran, quốc gia có người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số, viện trợ vũ khí hiện đại và gởi chuyên gia quân sự giúp phong trào Hezbollah tại Liban. Vì vậy, việc Tehran được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh A-rập khiến Mỹ và Israel không hài lòng nên vận động Liban và một số nước khác tẩy chay hoặc chỉ cử đại diện tượng trưng.
Các nhà quan sát quốc tế nhận thấy những xung khắc chính trị và mâu thuẫn giáo phái giữa các nước Trung Đông đã biểu hiện khá rõ nét trong những năm qua. Liban là nơi mà những cuộc tranh chấp lợi ích giữa các thế lực đó nổ ra, đặc biệt kể từ khi quân đội Syrie rút khỏi Liban năm 2005. Đáng quan ngại là “cuộc chiến tranh lạnh” đã được Israel chuyển thành “chiến tranh nóng” chống Hezbollah vào mùa Hè năm 2006 càng làm cho Liban chia rẽ sâu sắc. Liban là nạn nhân của cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn trong khu vực bị bên ngoài kích động.
PHÚC NGUYÊN
(Theo Le Figaro, Xinhua, Daily Star)