14/06/2024 - 09:41

Thông điệp từ tàu chiến Nga ở Cuba 

Một hạm đội tàu chiến Nga đã cập cảng Havana hôm 12-6 trong chuyến thăm Cuba 5 ngày được cho nhằm thể hiện sức mạnh triển khai toàn cầu của Hải quân Nga giữa lúc quân đội nước này đang đương đầu với các loại vũ khí hạng nặng của Mỹ và các đồng minh trên chiến trường Ukraine. Sự kiện này đồng thời gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân năm 1962 giữa cao trào Chiến tranh Lạnh.

Người dân Cuba đón xem tàu Ðô đốc Gorshkov đi vào cảng Havana. Ảnh: Getty Images

Dẫn đầu hạm đội 4 chiếc là tàu Đô đốc Gorshkov, theo sau là tàu ngầm hạt nhân Kazan, tàu kéo cứu hộ và tàu chở dầu. Tàu ngầm Kazan và tàu Đô đốc Gorshkov nằm trong số những tàu chiến hiện đại nhất của Nga.

“Ám ảnh” tên lửa hạt nhân

Tàu Đô đốc Gorshkov được Nga triển khai tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon, từng tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Trung Quốc và Nam Phi vào năm 2023.

Zircon được coi là vũ khí siêu vượt âm tốt nhất của Nga. Tên lửa này được thiết kế để phóng từ cả tàu nổi và tàu ngầm, khiến nó trở thành vũ khí linh hoạt trong chiến tranh hải quân. Tên lửa này là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm hiện đại hóa năng lực quân sự và duy trì lợi thế chiến lược.

Zircon có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm cả đầu đạn nổ thông thường và đầu đạn hạt nhân. Tính linh hoạt này cho phép nó được sử dụng trong nhiều tình huống chiến thuật và chiến lược. Sức mạnh hủy diệt của tên lửa, kết hợp với tốc độ và khả năng cơ động, khiến nó trở thành mối đe dọa đáng gờm đối với cả mục tiêu trên bộ và trên biển.  Phạm vi hoạt động của Zircon ước tính là từ 500 đến 1.000km.

Kazan thuộc lớp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Yasen có năng lực hoạt động êm ái nhất trong số các tàu ngầm hiện có của Hải quân Nga. Phương Tây lo ngại năng lực tàng hình và tấn công của tàu ngầm này, bởi nó không chỉ được trang bị các tên lửa hành trình Oniks và Kalibr mà cả tên lửa siêu vượt âm Zircon, có thể nhằm vào các mục tiêu trên biển và trên đất liền một cách nhanh chóng.

Rõ ràng, dù cả tàu Đô đốc Gorshkov và Kazan đều không mang vũ khí hạt nhân nhưng sự hiện diện của tên lửa siêu vượt âm Zircon nằm cách thành phố cực Nam Key West của bang Florida (Mỹ) chỉ 160km lại gợi nhớ về cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân năm 1962. Tháng 10 năm đó, Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân tại Cuba nhằm đáp trả Mỹ triển khai tên lửa hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt 13 ngày, cuộc khủng hoảng đã khiến Liên Xô và Mỹ rơi vào khủng hoảng và căng thẳng nguy hiểm đến mức gần như nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tình hình đã được làm dịu sau khi Washington đạt được thỏa thuận với Mát-xcơ-va về việc dỡ bỏ tên lửa khỏi Cuba.

Lời nhắc nhở đừng can thiệp

Thời Chiến tranh Lạnh, Cuba là đồng minh quan trọng hàng đầu của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, Cuba vẫn duy trì quan hệ với Nga và mối quan hệ này đã trở nên thân thiết hơn kể từ cuộc gặp vào năm 2022 tại Mát-xcơ-va giữa Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chủ tịch Diaz-Canel cũng đã gặp lại ông Putin nhân dịp nước Nga tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5 vừa qua. Ông Miguel Diaz-Canel đã chúc Nga “thành công” trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và lên án “sự thao túng địa chính trị” của Mỹ.

Trở lại với đoàn tàu chiến Nga ở Cuba, quân đội nước chủ nhà cho biết chuyến thăm của đội tàu hải quân Nga “tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế” và là sự tôn vinh “quan hệ hữu nghị lịch sử” giữa Havana và Mát-xcơ-va.

Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói: “Rõ ràng đây là dấu hiệu cho thấy họ (Nga) không hài lòng về những gì chúng tôi đang làm cho Ukraine. Vì vậy, chúng tôi sẽ theo dõi họ, điều đó không có gì bất ngờ. Dù không lường trước được mọi vấn đề, nhưng chúng tôi không mong đợi rằng sẽ có bất kỳ mối đe dọa nào sắp xảy ra đối với an ninh quốc gia của Mỹ, vùng Caribe hoặc bất kỳ nơi nào khác trong khu vực”.

Benjamin Gedan, giám đốc chương trình Mỹ Latinh của Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, cho rằng sự có mặt của các tàu chiến Nga tại Cuba “là lời nhắc nhở với Mỹ rằng thật khó chịu khi một kẻ thù can thiệp vào vùng lân cận của bạn” (như sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine).

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết