23/11/2009 - 09:00

Thời thế tạo anh hùng !

Nếu tính luôn cả chuyến thăm của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad bắt đầu vào hôm nay 23-11 thì chỉ trong vòng nửa tháng qua đã có 3 nhà lãnh đạo Trung Đông tới Brazil.

Có mặt tại Thủ đô Brasilia cuối tuần rồi, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đề nghị Tổng thống nước chủ nhà Lula da Silva đóng vai trò lớn hơn nữa trong các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận về hòa bình cho khu vực này, cụ thể là buộc Israel ngừng mở rộng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Trước đó, trong chuyến công du Brazil ngày 10-11, Tổng thống Israel Shimon Peres cũng giục ông Lula dùng ảnh hưởng ngày càng lớn của mình để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran và chấm dứt sự ủng hộ của Tehran đối với Hamas, lực lượng đang chiếm giữ Dải Gaza ở Palestine và không chịu hòa đàm với Tel Aviv. Với mục tiêu nâng cao vị thế của Brazil thông qua việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Lula có kế hoạch sẽ tới Israel và Palestine vào tháng 3 năm tới.

Còn cuộc gặp trong tuần này giữa ông Lula với người đồng cấp Iran Ahmadinejad một phần là theo “đơn đặt hàng” của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Washington muốn nhờ ông làm cầu nối với Tehran. Brazil là một trong số không nhiều các cường quốc có quan hệ khá tốt với Iran, công khai bảo vệ quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của nước này. Xung quanh cuộc bầu cử gây tranh cãi mới đây mang lại cho ông Ahmadinejad thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Lula còn nói rằng thế giới không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Iran và so sánh với vụ lùm xùm khi ông George Bush thắng đối thủ Al Gore để trở thành tổng thống Mỹ hồi năm 2000.

Đứng thứ năm thế giới về dân số và diện tích, đồng thời nằm trong nhóm 10 nền kinh tế lớn nhất hành tinh nhưng trước nay Brazil chưa tìm được một vị thế tương xứng. Dưới thời ông Lula, nước này gần đây đã từng bước lấy lại những gì lẽ ra thuộc về mình. Brazil hiện được xem là đại diện của các nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán về thương mại toàn cầu. Giữa tháng 11 vừa qua, ông Lula tiến thêm bước nữa trong việc khẳng định vai trò nước lớn khi cùng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa ra lập trường chung về chống biến đổi khí hậu (chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Copenhagen ở Đan Mạch vào tháng 12 tới), trong đó Brazil cam kết sẽ cắt giảm hơn 36% lượng khí CO2 vào năm 2020.

Tham gia giải quyết các vấn đề lớn của thế giới như cuộc xung đột Israel-Palestine, chương trình hạt nhân của Iran; tiên phong trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu; bảo vệ quyền lợi của các nước thế giới thứ ba trong lĩnh vực mậu dịch... có thể là sự chuẩn bị của Brazil cho chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc một khi cơ quan này được mở rộng.

Việc giành quyền đăng cai World Cup 2014 và Olympic 2016 cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của Brazil trên trường quốc tế. Thời thế dường như đang ủng hộ quốc gia Nam Mỹ này.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết