Việc quân đội Israel tiếp tục đồn trú tại các “vành đai an ninh” ở Dải Gaza, Lebanon và Syria vô thời hạn đang làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán với phong trào Hồi giáo Hamas về lệnh ngừng bắn mới và thả con tin.

Israel mở rộng kiểm soát lãnh thổ Dải Gaza và dồn người Palestine vào những vùng đất ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: Getty Images
Phát biểu ngày 16-4, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cho biết tình hình không còn như trước. Để ngăn các cuộc tấn công quy mô tương tự ngày 7-10-2023 của Hamas tái diễn, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thay vì di tản khỏi các khu vực chiếm giữ sẽ duy trì hiện diện tại các vành đai an ninh ở Gaza cũng như ở Lebanon, Syria. Mục tiêu là tạo vùng đệm giữa đối thủ và người dân Israel trong bất kỳ tình huống nào.
Quan chức này nói thêm, Tel Aviv sẽ tiếp tục lệnh phong tỏa viện trợ nhân đạo kéo dài 6 tuần để buộc Hamas thả con tin, bất chấp cảnh báo của Liên Hiệp Quốc về hậu quả thảm khốc. “Chính sách của Israel rất rõ ràng, đó là sẽ không có viện trợ nhân đạo nào vào Gaza và việc chặn nguồn viện trợ này là đòn bẩy chính để ngăn Hamas sử dụng nó như một công cụ với người dân” - hãng tin BBC dẫn lời Bộ trưởng Katz.
Trước đó, Israel đề nghị ngừng bắn trong 45 ngày và cho phép hàng viện trợ vào Dải Gaza nếu Hamas thả một nửa số con tin còn lại trong tuần đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết cam kết của IDF hiện diện lâu dài ở Gaza có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán. Hamas gần đây tuyên bố chỉ thả 59 con tin còn lại bị giam giữ ở Gaza (24 người trong số đó được cho là vẫn còn sống) để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và quân Israel rút khỏi Gaza.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Lebanon Joseph Aoun cho biết sự hiện diện liên tục của IDF cản trở hoạt động triển khai của quân đội Lebanon theo yêu cầu của lệnh ngừng bắn đã đàm phán với Israel. Hành động chiếm đóng của Israel cũng gây khó cho nỗ lực của Lebanon đàm phán giải trừ vũ khí với phong trào vũ trang Hezbollah.
Vành đai an ninh là gì?
Israel đã phát động chiến dịch quân sự quy mô sau đợt tấn công của Hamas hồi năm 2023 và tạo ra vùng đệm rộng lớn dọc theo biên giới. Hồi tháng 3, IDF nối lại chiến dịch trên bộ nhằm gây sức ép buộc các tay súng Hamas thả con tin. Hoạt động này dẫn tới sự sụp đổ thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, mở đường cho Israel nới rộng vùng đệm, thiết lập các hành lang trên khắp dải Gaza và bao vây thành phố Rafah ở phía Nam. Theo các chuyên gia, Israel hiện kiểm soát hơn 50% diện tích Gaza và không rõ khu vực Bộ trưởng Katz đề cập là vùng lãnh thổ nào.
Trước đó, Israel từ chối rút khỏi một số địa điểm chiến lược ở Lebanon và tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào những gì mà IDF cho là mục tiêu của phiến quân. Chính quyền Tel Aviv còn chiếm giữ vùng đệm ở miền Nam Syria được thiết lập sau cuộc nổi dậy của liên minh phiến quân lật đổ Tổng thống nước này Bashar Assad vào tháng 12 năm ngoái. Thậm chí, Israel nhiều lần ném bom các căn cứ quân sự của Syria cùng nhiều mục tiêu khác, tuyên bố không cho phép lực lượng an ninh Syria hoạt động ở phía Nam Damascus.
Lập trường của Mỹ
Trong khi Israel khẳng định duy trì các vành đai an ninh là cần thiết để ngăn những đợt tấn công từ Hamas, giới phân tích cho rằng việc tiếp quản gần như được xem là hành động chiếm đóng quân sự. Việc chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực bị coi là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đây cũng điều mà các đồng minh phương Tây của Israel viện dẫn khi chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Hiện Mỹ chưa bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Katz, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đó bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với các hành động của Israel ở Gaza bao gồm quyết định chấm dứt lệnh ngừng bắn, nối lại các hoạt động quân sự và phong tỏa vùng lãnh thổ này khỏi mọi nguồn cung thực phẩm, nhiên liệu hoặc nhu yếu phẩm khác. Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Trump, Steve Witkoff cũng nỗ lực làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn mới theo hướng có lợi với Israel nhưng đến nay không đạt được nhiều tiến triển. Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết thực hiện đề xuất của Tổng thống Trump về việc tái định cư phần lớn dân số Gaza ở các quốc gia khác thông qua cái gọi là “di cư tự nguyện”. Đáp lại, người Palestine và nhiều nước Arab đã đồng loạt phản đối đề xuất mà theo các chuyên gia nhân quyền là có thể vi phạm luật pháp quốc tế.
MAI QUYÊN (Theo AP, BBC)