30/08/2021 - 05:31

Thổ Nhĩ Kỳ - bạn mới của châu Phi 

Một bể bơi đạt tiêu chuẩn Thế vận hội ở khu vực ven biển Senegal; một căn cứ quân sự ở Somalia; và một sân bay rộng lớn đã được tu sửa tại Niger. Đó chỉ là một số khoản đầu tư gần đây vào châu Phi của Thổ Nhĩ Kỳ - cường quốc bậc trung mới nổi đang dòm ngó khu vực vốn từ lâu nhận được viện trợ và đầu tư từ các cường quốc châu Âu và Trung Quốc.

Tham vọng cường quốc toàn cầu

Tổng thống Erdogan trong chuyến thăm châu Phi hồi tháng 3-2018. Ảnh: AP

Tổng thống Erdogan trong chuyến thăm châu Phi hồi tháng 3-2018. Ảnh: AP

Một số người cho rằng những bước đi trên của Thổ Nhĩ Kỳ ở lục địa đen là nhằm phục vụ các lợi ích về kinh tế và cạnh tranh với các cường quốc khác trong khu vực. Tiến sĩ Federico Donelli, chuyên gia về hoạt động của Ankara ở vùng Sừng châu Phi thuộc Đại học Genoa (Ý), nhận định: “Không nghi ngờ gì nữa, sự cởi mở của Thổ Nhĩ Kỳ đối với châu Phi là một phần trong khuôn khổ rộng lớn hơn nhằm xây dựng vai trò của nước này như là cường quốc toàn cầu”. Theo ông Donelli, Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở châu Phi không chỉ nhằm tìm kiếm lợi ích vật chất và tiếng tăm mà còn muốn cạnh tranh với một số quốc gia vùng Vịnh như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nước có quan hệ mật thiết với Đông Phi.

Câu hỏi được đặt ra là bằng cách nào Thổ Nhĩ Kỳ có thể “kết thân” với các nước châu Phi vào thời điểm các nhà đầu tư khác phải đối mặt với sự phản đối. Tại khu vực Sahel, nơi hàng trăm công ty Pháp đang kiểm soát mọi thứ, từ mạng di động cho đến hầm mỏ và là nơi đồn trú của khoảng 5.000 binh sĩ Pháp, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, yêu cầu Paris rút quân khỏi khu vực. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc cũng kéo theo sự phẫn nộ trên khắp lục địa đen.

Đầu những năm 2000, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tập trung vào việc cố gắng gia nhập Liên minh châu Âu. Nhưng khi không đạt được mục tiêu đó, Ankara đã đổi hướng sang châu Phi. Năm 2005 được Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố là “năm của châu Phi” khi tổ chức tới 2 hội nghị thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ - châu Phi. Đáng chú ý, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tới thăm lục địa này hơn 20 lần, gồm chuyến thăm tới Somalia vào năm 2011 - chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo đến từ châu lục khác trong vòng 2 thập niên. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nhà tài trợ và nhà đầu tư quan trọng ở Somalia, nơi Ankara đặt căn cứ quân sự nước ngoài lớn nhất của mình.

Lợi thế của Ankara

Tuy nhiên, tại một lục địa giàu tài nguyên và nguồn lực như châu Phi, cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều mong muốn củng cố ảnh hưởng kinh tế và quân sự tại khu vực, đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi. Hiện Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi.

Không nản lòng, chính quyền Tổng thống Erdogan bắt đầu “tự xưng” Thổ Nhĩ Kỳ là “quốc gia Á - Âu - Phi” và lôi kéo các quốc gia châu Phi với cơ sở hạ tầng, nhiều cơ hội giáo dục cho thanh niên và trao đổi văn hóa. Thổ Nhĩ Kỳ xem quan hệ với châu Phi như là trụ cột chính trong chính sách đối ngoại khi mở tới 30 đại sứ quán mới trong giai đoạn 2002-2019.

Liên minh châu Phi hồi năm 2008 đã khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác chiến lược. Và các nước châu Phi đã hưởng lợi rất nhiều từ quan hệ đối tác này. Kim ngạch thương mại giữa các nước châu Phi vùng cận Sahara và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 10 tỉ USD vào năm 2020, tăng mạnh từ mức chỉ 1,35 tỉ USD hồi năm 2003. Đến nay, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư khoảng 19,5 tỉ USD vào khu vực.

Riêng tại Ethiopia, nơi Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách biến Addis Ababa thành cửa ngõ chính trong hành trình tìm kiếm ảnh hưởng tại khu vực sau khi mất 2 đồng minh Ai Cập và Sudan do sự thay đổi trong chính quyền 2 nước, thương mại song phương đã tăng gần 50% trong vòng 2 năm qua. Các khoản đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ vào Ethiopia đạt 2,5 tỉ USD, chỉ sau Trung Quốc. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Sudan cũng bắt đầu bình thường hóa trong năm nay.

 Giới phân tích cho rằng lý do quan trọng nhất giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được lợi thế cạnh tranh tại châu Phi là bởi nước này không bị gánh nặng quá khứ đô hộ như Pháp và phương Tây. Lý do khác là tôn giáo. Hầu như tất cả các quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ thu hút có đa số người Hồi giáo trong khi bản thân nước này là cường quốc Hồi giáo. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ dường như có cách tiếp cận mềm hơn Trung Quốc khi không dính đến bê bối “bẫy nợ”, đồng thời chủ động thuê mướn, đào tạo công nhân bản địa và chuyển giao kỹ thuật.

Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái đã ký kết với Niger một hiệp ước quốc phòng bí mật nhằm cho phép triển khai quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, gây lo ngại cho Pháp cũng như các cường quốc phương Tây khác. Ankara cũng đang sử dụng quân đội để đảm bảo lợi ích hàng hải của nước này ở Libya.

TRÍ VĂN (Theo CS Monitor, Al-Monitor)

Chia sẻ bài viết