Vụ bắt giữ tàu hàng mang tên Jie Shun chở số lượng lớn vũ khí ngoài khơi Ai Cập mới đây đã phơi bày mạng lưới mua bán vũ khí bí mật của Triều Tiên, theo báo Washington Post.
Tháng 8-2017, Mỹ gửi thông báo mật cho Ai Cập về một con tàu bí ẩn đang hướng tới Kênh đào Suez. Dù thuộc quyền sở hữu của Triều Tiên, nhưng con tàu dài hơn 90m này đăng ký ở Campuchia nên nó được phép treo cờ của quốc gia Đông Nam Á và nhận Phnom Penh là cảng nhà. Trên tàu có 23 người Triều Tiên, bao gồm một thuyền trưởng và một sĩ quan. Tình báo Mỹ theo dõi tàu hàng này từ khi nó rời thành phố cảng Haeju (Triều Tiên) hồi cuối tháng 7. Từ thông tin trên, hải quan Ai Cập khám xét và phát hiện dưới các thùng chứa 2.300 tấn quặng sắt là hơn 30.000 súng phóng lựu. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) sau đó kết luận đây là vụ “thu giữ vũ khí lớn nhất trong lịch sử các lệnh trừng phạt áp đặt lên CHDCND Triều Tiên”. Phải mất vài tháng sau, bí mật cuối cùng của tàu Jie Shun mới được hé mở và bất ngờ lớn nhất khi bên mua số vũ khí nói trên là các doanh nhân Ai Cập.
Tàu hàng Jie Shun chở vũ khí của Triều Tiên. Ảnh: marinelike.com
Thương vụ trị giá 23 triệu USD trên cũng đã phơi bày thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu ít người biết đang ngày càng trở thành “cứu cánh” tài chính cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong bối cảnh nước này chịu lệnh cấm vận kinh tế chưa từng có xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Theo giới phân tích, ngay khi bị Mỹ và các nước đồng minh “nhồi” lệnh trừng phạt, Bình Nhưỡng vẫn âm thầm thu lợi từ việc bán vũ khí giá rẻ và khí tài quân sự cho một số quốc gia. Một số khách hàng có mối quan hệ quân sự lâu dài với Triều Tiên, trong khi số khác muốn tận dụng thị trường ngách độc nhất do nước này tạo ra. Đó là loại thị trường eBay toàn cầu chào bán vũ khí cũ thời Chiến tranh Lạnh và được tân trang, thường có giá thấp hơn nhiều so với giá phổ biến hiện nay.
Buôn bán vũ khí bí mật của Triều Tiên là “kết quả tự nhiên” của thương mại hợp pháp bắt đầu cách đây 4-5 thập niên. Kết thúc Chiến tranh Lạnh, khách hàng của Triều Tiên phủ khắp 4 châu lục và bao gồm hàng chục quốc gia cũng như các nhóm nổi dậy. Khi liên tiếp các biện pháp trừng phạt của LHQ đe dọa làm mất khách, Triều Tiên thay đổi chiến thuật. Các tàu chở rốc-két và phụ tùng xe tăng với đích đến là các cảng xa đã đổi tên và giấy đăng ký để có thể rẽ sóng dưới quốc kỳ nước ngoài.
THANH BÌNH