05/03/2021 - 09:04

Thế giới lo ngại cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Brazil 

Brazil đang chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao kỷ lục, cũng như sự hoành hành của một biến chủng với khả năng lây lan nhanh hơn. Giới khoa học gọi khủng hoảng ở Brazil là lời cảnh báo cho cả thế giới.

Brazil hiện có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Ảnh: Economic Times

Vật lộn với P.1

Phần lớn thế giới đang áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc thúc đẩy tiêm vaccine nhằm kiểm soát đại dịch, song tình hình tại Brazil lại trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Nước này đang vật lộn với biến thể có tên P.1, được phát hiện hồi tháng 1-2021, đã tàn phá thành phố Manaus, thủ phủ của bang Amazonas. Trong vòng vài tuần, mức độ nguy hiểm của P.1 trở nên rõ ràng khi các bệnh viện trong thành phố cạn kiệt ôxy y tế do quá tải bệnh nhân và số người chết trong 2 tháng đầu năm nay cũng tăng vọt. Các nhà khoa học đã cố gắng hiểu thêm về P.1 và theo dõi sự lây lan của nó trên khắp Brazil, nhưng hạn chế về nguồn lực xét nghiệm gây khó cho nỗ lực xác định vai trò của biến thể. Trong khi ở Mỹ đã thực hiện giải trình tự gien đối với khoảng 1 trong số 200 ca nhiễm, thì tỷ lệ này tại Brazil chỉ là 1/3.000 ca.

Biến thể P.1 lây lan rất nhanh. Ðơn cử như hồi cuối tháng 1 vừa rồi, các nhà nghiên cứu phát hiện nó hiện diện ở 91% mẫu được giải trình tự gien tại bang Amazonas. Ðến cuối tháng 2, các ca nhiễm P.1 đã xuất hiện ở 21/26 bang của Brazil.

Một biện pháp giúp kiềm chế sự bùng phát là thông qua chủng ngừa, nhưng chiến dịch tiêm vaccine tại Brazil lại diễn ra khá chậm. Quốc gia Nam Mỹ bắt đầu tiêm cho các nhóm ưu tiên, bao gồm nhân viên y tế và người già, hồi cuối tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, chính phủ không có đủ lượng vaccine trong khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hoài nghi mức độ nguy hiểm của COVID-19 cũng như các chế phẩm ngừa bệnh. Brazil đang sử dụng vaccine CoronaVac của Trung Quốc và một chế phẩm do Hãng dược AstraZeneca (Anh/Thụy Ðiển) sản xuất. Tính đến ngày 2-3, mới có hơn 5,8 triệu người Brazil, xấp xỉ 2,6% dân số nước này, được tiêm ít nhất 1 liều vaccine.

Hôm 2-3 cũng đã đánh dấu ngày chết chóc nhất ở Brazil kể từ lúc đại dịch bùng phát khi nước này ghi nhận hơn 1.700 ca tử vong do COVID-19. “Sự tăng tốc của đại dịch tại nhiều bang đang kéo sập các hệ thống bệnh viện công và tư. Buồn thay, với chiến dịch tiêm vaccine yếu ớt với tốc độ chậm chạp, tình cảnh ở Brazil sẽ không thể đảo ngược trong thời gian ngắn”, giới chức y tế bày tỏ lo ngại.

Nguy cơ từ Brazil

Giới nghiên cứu từng cho rằng tái nhiễm COVID-19 là cực kỳ hiếm xảy ra, cho phép người khỏi bệnh nghĩ rằng họ sẽ được miễn dịch trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng đó là trước khi biến thể P.1 xuất hiện. Nhiều nghiên cứu sơ bộ cho thấy P.1 không chỉ lây lan nhanh hơn mà cũng có thể lây nhiễm cho những người đã đánh bại các biến thể khác của SARS-CoV-2. Mặc dù thử nghiệm lâm sàng cho thấy nhiều vaccine có thể phòng ngừa bệnh nặng, nhưng phần lớn thế giới hiện vẫn chưa được tiêm ngừa. Ðiều này đồng nghĩa thậm chí bệnh nhân phục hồi và nghĩ rằng đã an toàn thì vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Thực tế đã cho thấy điều này. Juliana Cunha, y tá tại Rio de Janeiro, từng đinh ninh rằng mình đã an toàn sau khi mắc SARS-CoV-2 hồi tháng 6-2020 và bình phục, nhưng đến tháng 11 thì tái dương tính. Ðến nay, biến thể P.1 đã được phát hiện ở ít nhất 21 quốc gia.

Trước tình hình trên, giới phân tích y tế cảnh báo đại dịch ở Brazil có nguy cơ tác động đáng kể lên toàn cầu. Theo họ, Brazil đã cho thấy khả năng sản sinh thêm nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới, có thể nguy hiểm hơn. Miguel Nicolelis, nhà khoa học thần kinh tại Ðại học Duke (Mỹ), thúc giục cộng đồng quốc tế gây sức ép lên Chính phủ Brazil liên quan sự thất bại trong việc kiềm chế dịch bệnh đã lây nhiễm cho hơn 10,7 triệu người dân nước này (nhiều thứ ba thế giới), trong đó có gần 260.000 người chết (chiếm khoảng 10% tổng số ca tử vong trên toàn cầu). “Nếu Brazil không kiểm soát virus, đây sẽ trở thành phòng thí nghiệm biến chủng SARS-CoV-2 lớn nhất thế giới. Brazil không chỉ có thể là tâm của đại dịch mà còn có nguy cơ là trung tâm phát tán những biến chủng dễ lây nhiễm và chết chóc hơn. Vấn đề này thuộc về lợi ích của cả hành tinh”, Tiến sĩ Nicolelis nhận định.

Campuchia phong tỏa tỉnh Preah Sihanouk

Trong thông điệp đặc biệt vào đêm 3-3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã trực tiếp lệnh cho giới chức phải có biện pháp ngăn chặn bất kỳ ai rời khỏi tỉnh Preah Sihanouk. Bên cạnh đó, Thủ tướng Hun Sen cũng kêu gọi tăng cường tiêm phòng cho cả quan chức chính phủ và người dân. Theo đó, Chính phủ Hoàng gia gửi bổ sung thêm các loại vaccine ngừa COVID-19 tới tỉnh Preah Sihanouk vào ngày 4-3, bao gồm cả vaccine của các hãng dược phẩm Sinofam và AstraZeneca. Trong thông điệp này, Thủ tướng Hun Sen khẳng định giao thông đã bị phong tỏa, mọi người không được phép rời khỏi tỉnh Preah Sihanouk, nhưng việc vận chuyển hàng hóa ra vào tỉnh Preah Sihanouk vẫn diễn ra bình thường như trước. Kể từ khi Campuchia xảy ra đợt lây nhiễm cộng đồng lần thứ ba (20-2) đến nay, tỉnh Preah Sihanouk đã có thêm 80 ca mắc COVID-19, trong đó có 60 người Trung Quốc, 5 người Việt Nam và 15 người Campuchia.

HẠNH NGUYÊN 

Chia sẻ bài viết