03/12/2021 - 07:55

Thế giới cần tăng cường hành động vì khí hậu 

Trong nỗ lực kêu gọi hành động toàn cầu nhằm ngăn chặn tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ  về vấn đề này đã đề nghị sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ các nước “dẫn đầu” phát thải khí nhà kính cũng như đóng góp tích cực từ khu vực tư nhân.

Vận động quốc tế

Trả lời Hãng tin Reuters, đặc phái viên khí hậu John Kerry (ảnh) cho biết cam kết của các quốc gia giảm lượng khí thải CO2 và mêtan hiện không đủ kìm hãm sự nóng lên toàn cầu như mục tiêu đặt ra, đó là giữ nhiệt độ trung bình Trái đất trong thế kỷ này không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Việc duy trì nhiệt độ toàn cầu ở mức trên sẽ giảm thiểu quy mô tác động và rủi ro của hiện tượng thời tiết cực đoan so với mức tăng 2 độ C - lằn ranh cuối cùng ngăn chặn thảm họa biến đổi khí hậu.

Ðể giữ mục tiêu này, ông Kerry kêu gọi các nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nga hành động nhanh hơn nữa để tránh những hậu quả mà con người không lường trước được. Trong đó, đặc phái viên Mỹ khẳng định Bắc Kinh là một phần không thể thiếu trong nhiệm vụ toàn cầu nói trên, thậm chí ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay sẽ không thể được khắc phục nếu không có “sự tham gia và cam kết đầy đủ” từ cường quốc châu Á. Theo báo cáo hồi tháng 5, Trung Quốc thải ra lượng khí nhà kính nhiều hơn Mỹ và tất cả các nước phát triển khác cộng lại vào năm 2019.

Bên cạnh những nước lớn, ông Kerry cho biết cuộc chiến hiện nay cũng cần sự đoàn kết của nhóm quốc gia đang phát triển. Hiện tại, một số nước như Brazil, Mexico, Indonesia, Nam Phi đã từ chối lời kêu gọi nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như than đá để giảm khí thải nhà kính. Ngoài lý do phát triển kinh tế, chính phủ những nước này cho biết họ không có đủ nguồn lực tài chính để chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch. Về vấn đề trên, ông Kerry tái khẳng định vai trò hỗ trợ của Mỹ khi nói rõ không ai có thể tự gánh vác trách nhiệm trong quá trình chuyển đổi khẩn cấp từ nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo.

Sự tham gia của khu vực tư nhân

Theo ông Kerry, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch như hydro xanh, pin lưu trữ lâu dài, lò phản ứng hạt nhân nhỏ và thu giữ carbon là một phần quan trọng giúp thế giới đảm bảo mục tiêu đề ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Nhưng không có chính phủ nào trên hành tinh có đủ tài chính giải quyết khủng hoảng khí hậu hoặc thực hiện toàn bộ quá trình chuyển đổi năng lượng. Trong khi đó, khu vực tư nhân có khả năng thay đổi cuộc chơi và giúp thế giới đưa mức phát thải ròng về 0 bằng cách tài trợ hàng ngàn tỉ USD cần thiết để đưa vào sử dụng năng lượng sạch trên toàn cầu. Với các công ty đầu tiên tham gia thị trường, ông Kerry khẳng định những đột phá về công nghệ có thể giúp họ thu về lợi nhuận thông qua các bằng sáng chế.

Trong báo cáo gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính thế giới bổ sung gần 290 gigawatt năng lượng tái tạo trong năm nay, lập kỷ lục về công suất tăng thêm. Tổ chức này dự đoán năng lượng sạch chiếm gần 95% mức tăng công suất điện toàn cầu đến năm 2026. Tuy các số liệu có vẻ hứa hẹn, IEA cảnh báo tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo trong vài năm tới vẫn không đủ đáp ứng kịch bản mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết