THANH TRÚC
Văn hóa-xã hội được xác định là một trong ba trụ cột quan trọng trong tiến trình đưa ASEAN phát triển theo định hướng: "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng". Cùng với những lợi thế về du lịch và văn hóa truyền thống độc đáo, các quốc gia thành viên đang nỗ lực xây dựng một ASEAN giàu bản sắc, trong đó thanh niên đóng vai trò tích cực nhằm tạo dựng một cộng đồng hòa hợp và thịnh vượng.
Chung tay xây dựng bản sắc ASEAN
Theo định hướng xây dựng cộng đồng ASEAN, hội nhập văn hóa-xã hội chính là cầu nối để các nước ngày càng gắn kết với nhau, hướng tới 3 mục tiêu chính: Thúc đẩy xây dựng bản sắc ASEAN thông qua hội nhập giáo dục, Môi trường bền vững và Bảo tồn di sản văn hóa ASEAN.

Nhằm tạo dựng một cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, lãnh đạo các nước đặc biệt ưu tiên phát triển mối quan hệ gần gũi hơn giữa nhân dân các nước, bằng cách tăng cường giao lưu và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ văn hóa-xã hội đến giáo dục và du lịch. Một trong các sự kiện điển hình là triển lãm Thanh niên ASEAN năm 2014 (ASEAN Youth Expo 2014) do Chính phủ Indonesia tổ chức vào tháng 8-2014, với chủ đề "Cánh cổng tới ASEAN". Sự kiện tập trung vào hai nội dung chính: Triển lãm văn hóa - nơi các đại biểu thanh niên được trao cơ hội quảng bá nền văn hóa nước nhà - và Triển lãm Việc làm và Học bổng, mở ra cơ hội nghề nghiệp và học tập nâng cao trình độ cho thanh niên.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 8 (ASED 8) diễn ra ngày 11-9-2014 tại Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào), các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa các nước thành viên, góp phần nâng cao nhận thức về đoàn kết trong khối, đóng góp tích cực vào sự phát triển xã hội, môi trường và kinh tế của khu vực ASEAN. Ramon R. Jimenez, Phó chánh văn phòng du lịch Philippines - cho rằng trong ASEAN, các nước luôn hợp tác chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển ngành du lịch theo phương châm "một quốc gia thiếu, các quốc gia khác có" với mục tiêu đưa ASEAN trở thành khu vực thu hút du khách hàng đầu thế giới. Đáng chú ý là kể từ năm 2010, các nước thành viên đã nhất trí xây dựng chiến lược "10 quốc gia, 1 điểm đến". Giới chuyên gia nhận định mục tiêu nói trên hoàn toàn nằm trong tầm với của ASEAN, bởi khu vực này hiện được xem là "trung tâm di sản thế giới", quy tụ tới 21/33 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm Đền Angkor Wat, Đền Preah Vihear (Campuchia), Di sản khảo cổ tại thung lũng Lenggong (Malaysia), Quần thể đền đài Borobudur (Indonesia), Thị trấn lịch sử Vigan (Philippines)
. Riêng Việt Nam có Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn
Có thể nói, sự đa dạng và độc đáo của văn hóa truyền thống các nước ASEAN là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ngành du lịch và đem lại nguồn thu cho các nước, trực tiếp tạo việc làm cho 9,3 triệu người và gián tiếp hỗ trợ 25 triệu người. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa và nghệ thuật ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại thành phố Huế hồi tháng 4-2014, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhận định ASEAN luôn là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài khu vực với chỉ số tăng trưởng lần lượt là 14,51% và 9,9%.
Đặc biệt, để tăng cường sự kết nối giữa con người với con người - nhân tố chính làm nên sự hòa hợp trong khối, kể từ năm 2013, ASEAN đã phát động chương trình "Tình nguyện viên trẻ ASEAN" (AYVP) - một diễn đàn cho thanh niên đóng góp vào quá trình xây dựng cộng đồng chung. Chương trình tình nguyện có uy tín trong khu vực này diễn ra hàng năm với kỳ vọng đưa các lãnh đạo trẻ có tiềm năng thực hiện các dự án cộng đồng trên nhiều lĩnh vực gồm bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, doanh nghiệp xã hội, v.v... Mỗi năm, chương trình được tổ chức tại một quốc gia ASEAN với chủ đề khác nhau và chủ đề năm 2014 là "Bảo tồn di sản", diễn ra hồi tháng 8 tại Thủ đô Kuala Lumpur và thành phố di sản Malacca của Malaysia. Thông qua AYVP, mỗi tình nguyện viên tự đúc kết kinh nghiệm và thực hiện một dự án riêng tương tự tại quốc gia mình sau khi về nước.
Nhìn chung, mục tiêu phát triển một cộng đồng ASEAN giàu bản sắc trước tiên là nhằm nâng cao đời sống của nhân dân và vì sự tiến bộ của cả cộng đồng, kế đến là đảm bảo rằng mọi người dân trong khối đều được hưởng lợi từ tất cả các sáng kiến hội nhập. Bên cạnh đó, các nước cũng dự kiến sẽ đầu tư mạnh hơn cho giáo dục trong nhân dân, đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Nếu làm được như vậy, những mục tiêu xuyên suốt như xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng trưởng kinh tế công bằng
trong cộng đồng ASEAN sẽ được giải quyết tốt.
Thanh niên Việt Nam nâng cao năng lực hội nhập trong ASEAN
Theo Phan Thị Ánh Tiên - một trong 6 đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị trù bị của Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo Thanh niên ASEAN hồi tháng 8-2014 tại Kuala Lumpur (Malaysia) - thanh niên Việt Nam cần ý thức được vai trò của mình trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN năm 2015 để chủ động nâng cao năng lực hội nhập. Thanh niên nên tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ... của các nước trong khu vực. Ánh Tiên cho rằng khi hội nhập bắt đầu thì lợi thế về chính sách sẽ không còn, chúng ta cần tự xây dựng các lợi thế khác như: kỹ năng ngoại ngữ, chất lượng hàng hóa cạnh tranh, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phân công lao động có hiệu quả

Bùi Quang Bình (trái) tại điểm dừng chân Singapore. Ảnh: VOV5
Để thiết thực giúp thanh niên chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới Cộng đồng ASEAN 2015, ngày 11-10-2014, Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao và Đoàn Thanh niên Khối cơ quan Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề Liên kết trí thức trẻ để chủ động hội nhập (Linkages of intellectual youth for active integration). Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận 3 chuyên đề chính: "Trí thức trẻ - sứ giả Cộng đồng ASEAN"; "Kết nối trí thức trẻ, phát huy trí tuệ tập thể, xây dựng tinh thần Cộng đồng chung ASEAN" và "Thanh niên thông thái hội nhập Cộng đồng ảo". Các diễn giả cũng đã gợi mở nhiều vấn đề giới trẻ cần quan tâm trong quá trình đất nước hội nhập quốc tế, bao gồm xác định vai trò và trách nhiệm của mình trong tiến trình hội nhập, chủ động trang bị các kỹ năng cần thiết (đặc biệt là ngoại ngữ và tin học), biết giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc
Thực tế cho thấy, Việt Nam có rất nhiều thanh niên tiêu biểu thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Điển hình là Bùi Quang Bình (26 tuổi, biệt danh "Việt ba lô"), người đã chu du 10 nước ASEAN để quảng bá Việt Nam. Trong hành trình kéo dài 30 ngày kể từ đầu tháng 5-2014, chàng giảng viên tiếng Anh đang sống và công tác tại Đà Nẵng đã giới thiệu với người dân các nước bạn về Việt Nam, đồng thời thực hiện 100 cuộc phỏng vấn ngắn để tìm hiểu suy nghĩ và hiểu biết của họ về đất nước. Sau chuyến đi, Quang Bình đã thực hiện nhiều video clip để mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ cùng bàn luận và tìm giải pháp thay đổi để Việt Nam đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong khi đó, các bạn trẻ khác lại chọn cách thể hiện tài năng, trí tuệ Việt trước bạn bè quốc tế. Như tại Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khoa học trẻ các nước Đông Nam Á (SSYS) lần 9 ở Malaysia với chủ đề "Giảm thiểu rủi ro thảm họa để phát triển bền vững" hồi đầu năm 2014, đoàn học sinh Việt Nam dự thi với hai đề tài nghiên cứu thì cả hai đều đoạt giải. Đó là giải nhì Toán học với dự án "Tạo lập lịch dự báo bão và áp thấp nhiệt đới ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung" của hai học sinh Lê Ngọc Thu Thảo và Ngô Quang Thái đến từ Trường Phổ thông cơ sở Thực Nghiệm (Hà Nội), giải ba về Khoa học với dự án xử lý nhiều loại ô nhiễm mang tên "Nghiên cứu về enzyme laccase phục vụ cho ứng dụng phát triển bền vững" của các em Mai Diệu Quỳnh và Nguyễn Hoàng Tùng ở Trường Phổ thông Trung học Việt Đức (Hà Nội).
***
Nhìn chung, việc xây dựng một cộng đồng ASEAN hòa hợp đúng nghĩa có lẽ sẽ gặp không ít khó khăn trong bối cảnh các nước Đông Nam Á có ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và trình độ phát triển khác nhau. Nhưng với nỗ lực và thái độ hòa nhập tích cực của mỗi nước, trong đó có sự đóng góp tài năng, sức trẻ của thanh niên, một ASEAN giàu bản sắc, đoàn kết vì sự phát triển và thịnh vượng chung sẽ không còn xa.