26/01/2019 - 17:43

Thắng lợi chính trị của đảng Dân chủ Mỹ 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) hôm 25-1 cho biết đã đạt được thỏa thuận với lưỡng viện Quốc hội về khoản ngân sách tạm thời, chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần lâu nhất trong lịch sử vốn đã bước sang ngày thứ 35.

Ảnh: Reuters

Dự luật chi tiêu trong 3 tuần nhanh chóng được thông qua tại Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát và Hạ viện nơi đảng Dân chủ chiếm đa số, sau đó được Tổng thống Trump ký thành luật. Khoảng 800.000 nhân viên liên bang bị ảnh hưởng được đảm bảo sớm nhận lại tiền lương bị ngưng trệ hơn một tháng qua. Diễn biến này cũng mở đường tiến trình đàm phán sắp tới đầy cam go giữa tổng thống và các nhà lập pháp để giải quyết an ninh dọc biên giới Mỹ-Mexico. Được biết, dự luật chi tiêu tạm thời không bao gồm 5,7 tỉ USD theo yêu cầu của ông Trump để xây bức tường biên giới phía Nam.

Kể từ khi ¼ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ ngày 22-12, Tổng thống Trump khẳng định không thỏa hiệp nếu yêu cầu ngân quỹ xây bức tường biên giới không được đáp ứng. Bức tường biên giới là cam kết quan trọng của ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông chủ Nhà Trắng cũng coi đóng cửa chính phủ là cách thể hiện nỗ lực thực hiện lời hứa với cử tri. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết quyết định hôm 25-1 cho thấy ông Trump buộc phải nhượng bộ khi tình trạng này khiến nhiều hoạt động của chính phủ lâm vào hỗn loạn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các lĩnh vực khác trong xã hội. Nhiều người cũng coi đây là chiến thắng chính trị đối với phe Dân chủ, đặc biệt là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Trước đó, bà Pelosi cứng rắn tuyên bố đảng của bà sẽ không chấp nhận chi trả dù chỉ 1 USD cho cấu trúc “không hiệu quả, tốn kém và phi đạo đức”.

Mặc dù chính phủ mở cửa trở lại, “cuộc chiến ngân sách” liên quan bức tường biên giới giữa Tổng thống Trump và đảng Dân chủ được dự đoán vẫn chưa kết thúc khi ông chủ Nhà Trắng cho biết chính quyền vì an toàn của người dân Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc xây một bức tường hoặc hàng rào thép vững chắc. Chiến lược gia đảng Cộng hòa Ford O’Connell nhìn nhận việc chấp thuận ngân sách tạm thời là cơ hội để ông Trump tập trung thúc đẩy yêu cầu được cấp kinh phí xây bức tường trong 3 tuần tới. “Nếu chúng tôi không có được thỏa thuận công bằng từ Quốc hội, chính phủ sẽ lần nữa đóng cửa vào ngày 15-2 hoặc tôi sẽ dùng quyền hành pháp để giải quyết tình trạng khẩn cấp này” – ông Trump cảnh báo. Trước đó, Tổng thống Mỹ tỏ ra cân nhắc khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, động thái cho phép Nhà Trắng sử dụng ngân sách Lầu Năm Góc để xây bức tường dù vướng phải nhiều vấn đề pháp lý.

Tuy là vậy, quyết định “rút lui” ngay lập tức dấy lên chỉ trích từ một số nhân vật bảo thủ có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với chiến dịch tái tranh cử của ông Trump vào năm 2020. Trên Twitter, ông Trump khẳng định thỏa thuận với Quốc hội “không phải nhân nhượng” mà là để “chăm lo cho hàng triệu người đang bị tổn thương nặng nề vì tình trạng đóng cửa”. Theo lời một quan chức, Tổng thống chấp nhận giải pháp ngân sách ngắn hạn sau khi nghe về tình trạng các cơ quan thực thi pháp luật bị ảnh hưởng do chính phủ đóng cửa một phần. Hệ quả này bắt đầu làm chấn động hệ thống hàng không Mỹ khi số lượng nhân viên an ninh sân bay vắng mặt đã tăng lên mức kỷ lục. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Trump cũng đang rơi xuống mức thấp nhất trong nhiệm kỳ. BBC cho biết lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell thậm chí đã nói với Tổng thống, rằng không có cách nào để chiến thắng trong cuộc giằng co đóng cửa với đảng Dân chủ.

Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P ước tính kinh tế Mỹ thiệt hại ít nhất 6 tỉ USD trong thời gian chính phủ đóng cửa một phần. Con số này dựa trên sự sụt giảm năng suất lao động của nhân viên cùng những thiệt hại khác về kinh tế ngoài lĩnh vực kinh doanh.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Dân chủ Mỹ