29/07/2017 - 17:10

Tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương 

Trung Quốc mới đây đã cử binh sĩ đến Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi để điều hành căn cứ quân sự đầu tiên của nước này ở hải ngoại. Đây được xem là bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng sức mạnh quân sự của họ ở Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đang đổ tiền vào cảng Gwadar, nơi được cho sẽ trở thành một căn cứ quân sự trong tương lai. 

 

Theo thỏa thuận, Trung Quốc có thể bố trí khoảng 10.000 quân tại căn cứ ở Djibouti. Đặc biệt, căn cứ này chỉ cách Trại Lemonier, cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở lục địa đen, vài cây số. Trước đó, Bắc Kinh đã tài trợ cho một dự án đường sắt có vốn đầu tư lên đến 14 tỉ USD, nối liền Thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) với Djibouti, được xem là tuyến giao thông trực tiếp duy nhất của Ethiopia ra Ấn Độ Dương.

Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti là một phần trong chiến lược kép “Chuỗi ngọc trai” và “Một vành đai, một con đường – OBOR” vốn là trọng tâm trong các mục tiêu của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương. Chiến lược “Chuỗi ngọc trai” là nhằm xây dựng hoặc mở rộng các cảng ở Pakistan, Sri Lanka, Maldives, Seychelles, Bangladesh và Myanmar. Và Djibouti là một khuôn mẫu cho sự mở rộng, khi mà viện trợ kinh tế của Trung Quốc dành cho việc mở rộng các tuyến vận tải khu vực và phát triển cảng biển dẫn tới sự hiện diện quân sự sau đó. Chẳng hạn như tại Gwadar, cảng nước sâu chiến lược ở Pakistan được Trung Quốc đổ tiền đầu tư và thuê cho đến năm 2059. Gwadar là một thành phần quan trọng của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) với vốn đầu tư lên tới 54 tỉ USD, được thiết kế nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng giao thông và thúc đẩy sự phát triển công nghiệp ở Pakistan. Mặc dù cả Islamabad và Bắc Kinh đều tuyên bố rằng sẽ không có sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Gwadar, nhưng trước đó đầu tư của Trung Quốc vào các cảng ở Sri Lanka, Hy Lạp  đã kéo theo các chuyến thăm thường xuyên của tàu Hải quân Trung Quốc, còn đối với Djibouti là một căn cứ quân sự lớn. Nhiều nguồn tin cho rằng sớm muộn gì Trung Quốc cũng xây dựng căn cứ quân sự ở Pakistan.

Trên thực tế, chiến lược “Chuỗi ngọc trai” đang được mở rộng khỏi Ấn Độ Dương khi Trung Quốc xúc tiến các dự án cảng và cơ sở hạ tầng ở Vịnh Walvis (Namibia), Sao Tome và Principe, Darwin (Úc) và Piraeus (Hy Lạp) – một trong những cảng container lớn nhất châu Âu mà vào tháng 8-2016, Công ty vận tải biển Trung Quốc (COSCO) đã mua 51% cổ phần. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc cũng mạnh tay đầu tư cho việc mở rộng các cảng ở Singapore.

Với chiến lược “Chuỗi ngọc trai”, Trung Quốc không những muốn mở rộng ảnh hưởng từ Biển Đông xuyên qua những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, hướng tới vịnh Ba Tư, kiềm chế Ấn Độ, mà còn bảo đảm an ninh năng lượng và kiểm soát những tuyến hàng hải quan trọng khác.

TRÍ VĂN (Theo Military.com)

Chia sẻ bài viết