22/10/2008 - 08:43

Tham vọng của NATO trên Ấn Độ Dương

Binh sĩ Mỹ trên vùng biển Somalie. Ảnh: AP

Đoàn tàu chiến 7 chiếc mang cờ hiệu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của các nước Mỹ, Anh, Đức, Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt tại Ấn Độ Dương để tham gia tuần tra chống hải tặc trên vùng biển Somalie đầy bất ổn theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh mục tiêu trên, theo trang tin điện tử Thời báo châu Á, sự có mặt của hải quân NATO tại khu vực này còn vì lý do khác.

Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu, Tướng John Craddock, thừa nhận sứ mạng mới này là tham vọng của NATO muốn trở thành một tổ chức chính trị toàn cầu, thay vì thuần túy là một liên minh quân sự. “Mối đe dọa cướp biển là có thật và nó đang diễn biến lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới, nên phản ứng của NATO là khả năng thích nghi nhanh chóng đối với những thách thức an ninh mới”, Tướng Craddock tuyên bố. Sự hiện diện của NATO tại Ấn Độ Dương là một sự kiện lịch sử vì nó đánh dấu giai đoạn chuyển đổi của tổ chức này. Nên nhớ rằng ngay cả trong thời cao trào của Chiến tranh lạnh, NATO cũng không có mặt ở đây.

Trước hết, sự có mặt của NATO tại Ấn Độ Dương sẽ cho phép tổ chức này tạo mối quan hệ với châu Phi, nơi đang nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ thông qua Bộ Tư lệnh châu Phi (Africom). Washington tin rằng vai trò của châu Phi sẽ hết sức quan trọng đối với chính sách an ninh toàn cầu của Mỹ trong tương lai.

Thứ hai, hải quân NATO sẽ có cơ hội phối hợp tuần tra với hải quân Ấn Độ và đây là lần đầu tiên các lực lượng vũ trang Ấn Độ sát cánh với NATO tại vùng biển này. Mỹ và Ấn Độ có thỏa thuận hợp tác an ninh hàng hải song phương được ký kết năm 2006, và nay Washington muốn lôi kéo New Delhi thắt chặt quan hệ với cả khối NATO. Mục tiêu của cả hai bên là khẳng định vai trò an ninh hàng hải quốc tế quan trọng của mình tại Ấn Độ Dương, con đường vận tải hàng hóa và dầu mỏ chính yếu của Trung Quốc.

Ngoài Ấn Độ, NATO còn muốn can dự nhiều hơn vào Sri Lanka và củng cố quan hệ với Singapore. Nếu như Singapore là một đồng minh của Mỹ thời Chiến tranh lạnh và là nơi có thể kiểm soát Eo biển Malacca, thì Sri Lanka có vị trí chiến lược giám sát các tuyến đường biển nối Vịnh Persic với Eo biển Malacca. Lầu Năm Góc đánh giá đảo quốc Nam Á này là nơi lý tưởng để họ triển khai một tàu sân bay thường trực. Hiện Washington đang giúp đỡ chính quyền Sri Lanka trong việc dùng sức mạnh quân sự tiêu diệt nhóm nổi dậy Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) ở nước này.

V.P (Theo Atimes)

Chia sẻ bài viết