04/05/2011 - 08:55

Thách thức mới trong quan hệ Mỹ - Pakistan

Lực lượng Pakistan tuần tra khu dinh thự, nơi bin Laden bị giết. Ảnh: AP

Thông tin về chiến dịch tấn công chớp nhoáng tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden của Mỹ trên đất Pakistan đang gây căng thẳng thêm cho mối quan hệ vốn không còn nồng ấm giữa Washington và Islamabad bởi dư luận đặt nghi vấn: Vì sao Mỹ quyết định hành động đơn phương ngay “ngưỡng cửa” của quân đội Pakistan?

Bin Laden bị giết chết tại khu dinh thự được bảo vệ nghiêm ngặt ở thành phố Abbottabad, gần Thủ đô Islamabad. Đây là nơi Pakistan đặt học viện quân sự hàng đầu đồng thời là nơi ở của nhiều tướng lĩnh quân đội hiện tại chức và về hưu. Các quan chức Pakistan ban đầu cho rằng cuộc tấn công bin Laden là chiến dịch phối hợp với sự tham gia của an ninh nước sở tại. Tuy nhiên, họ đã “rút lại lời” sau khi Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh trong thông báo về cái chết của bin Laden rằng chiến dịch là hoạt động riêng của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng điều đó cho thấy Mỹ không còn tin Pakistan giúp truy lùng bin Laden, và thậm chí ám chỉ rằng rõ ràng y được Pakistan cho phép sống ở đây.

Ngày 2-5, các quan chức Washington tuyên bố sẽ điều tra liệu chính quyền Pakistan có giúp bin Laden ẩn náu ở nước này nhiều năm qua hay không. Không cho biết cụ thể cơ quan nào của chính quyền Pakistan sẽ bị điều tra, nhưng John Brennan - cố vấn chống khủng bố hàng đầu của Tổng thống Barack Obama - cho biết Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) và quân đội nước này có thể liên quan. Trong khi đó, giới chức Pakistan một mực khẳng định không che giấu bin Laden, và cho biết họ bối rối trước cuộc tấn công cuối tuần qua của Mỹ.

Cuộc điều tra diễn ra khi quan hệ giữa hai nước đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố rơi xuống mức thấp nhất sau vụ nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Ray Davis bắn chết 2 người Pakistan ở thành phố Lahore hồi cuối tháng 1 vừa qua. Davis đã được đưa về Mỹ giam giữ, nhưng Pakistan vẫn ấm ức vì trước đó không hề biết Davis có mặt ở nước này. Việc Mỹ sử dụng máy bay không người lái để tầm diệt các mục tiêu al-Qaeda và Taliban ở khu vực biên giới giáp Afghanistan cũng gây ra làn sóng chống Mỹ ở Pakistan.

Gần 10 năm sau vụ khủng bố ngày 11-9, các quan chức Mỹ cho rằng liên minh giữa Washington và Islamabad đang có nguy cơ rạn nứt sâu sắc sau thắng lợi của Mỹ trong việc tiêu diệt bin Laden. Thượng nghị sĩ Mỹ Jack Reed, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho rằng quan hệ giữa Mỹ với Pakistan hiện giống như “chỉ mành treo chuông”. Đây là thời điểm để các nhà ngoại giao Mỹ và Pakistan nỗ lực cải thiện quan hệ hoặc ít ra là không để nó xấu hơn. Ông Reed cho rằng ông không biết liệu chính quyền Pakistan có nắm được nơi ở của bin Laden hay không, nhưng vấn đề là các nhà lãnh đạo cao nhất của nước này không muốn biết bin Laden ở đâu bởi các quan chức Pakistan (với tư cách cá nhân) nhiều lần nói như vậy. Khá lâu trước cuộc bố ráp bin Laden, một quan chức chủ chốt của quân đội Pakistan từng nói với báo giới rằng nước này sẽ “chỉ thất bại” nếu bin Laden bị bắt hoặc giết ở Pakistan. Nếu Pakistan giúp Mỹ tiêu diệt bin Laden, điều đó sẽ chọc giận nhiều người dân Pakistan, vốn xem y là biểu tượng của chủ nghĩa chống Mỹ. Còn nếu không giúp Mỹ, Pakistan sẽ đối mặt với cáo buộc bao che như hiện nay.

N. KIỆT (Theo WSJ, AP)

Tổng thống Asif Ali Zardari: Pakistan không bao che cho bin Laden

Trước sự nghi ngờ ngày càng gia tăng của Mỹ xung quanh sự hiện diện của bin Laden tại một biệt thự ở Pakistan trước khi bị tiêu diệt, ngày 2-5, Tổng thống Asif Ali Zardari đã bác bỏ thông tin cho rằng các lực lượng an ninh của nước này có thể đã bao che cho trùm khủng bố bin Laden. Tờ “Bưu điện Washington” dẫn lời ông Zardari cho biết các lực lượng Pakistan không liên quan đến chiến dịch truy quét bin Laden song khẳng định “một thập kỷ hợp tác” của Pakistan với Mỹ đã dẫn đến việc trừ khử được tên này.

Trước đó cùng ngày, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Obama cho rằng thủ lĩnh của al-Qaeda đã trú ngụ tại dinh thự trên suốt 5-6 năm qua.

(Theo TTXVN, China Daily)


Chia sẻ bài viết