07/07/2022 - 05:52

Tận dụng “cơ hội vàng” từ dân số già 

MAI QUYÊN (Theo CNA)

Từ kinh nghiệm của các nước láng giềng, giới chuyên môn Singapore cho rằng các nhà hoạch định chính sách trong nước phải thay đổi cấu trúc và quan điểm xã hội cho rằng người già là gánh nặng, từ đó có biện pháp biến dân số già thành lợi thế để thúc đẩy kinh tế.

Khai thác nền kinh tế trường thọ là cơ hội để thúc đẩy kinh tế.

Dân số Singapore đang già hóa và ảnh hưởng của “cơn sóng thần bạc” này sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2030, khi 1/4 dân số thuộc thế hệ “Baby Boomer” (sinh năm 1946-1964) bắt đầu nghỉ hưu. Tuy nhiên, nếu có chính sách kinh tế phù hợp, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho rằng đảo quốc sư tử có thể biến thách thức từ dân số già thành “cơ hội vàng”. Ðó là khai thác nền kinh tế trường thọ.

Hiện tại, các yếu tố như đời sống sung túc, giáo dục, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc và công nghệ được cải thiện đang giúp con người sống lâu và khỏe hơn. Nhờ những thay đổi này mà người lao động dù lớn tuổi vẫn có thể làm việc thêm nhiều năm nữa, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung. Một số công ty, như Prudential Singapore, đã loại bỏ hoàn toàn tuổi nghỉ hưu, cho phép nhân viên quá tuổi lao động tiếp tục làm việc. Ðiều này đồng nghĩa nhu cầu chi tiêu của họ cũng tiếp tục gia tăng. Một phân tích của Monitor Deloitte dự báo đến năm 2030, “thế hệ đầu bạc” của Singapore sẽ chi tiêu gần 150 tỉ USD.

Cơ hội từ nền kinh tế trường thọ

Theo nhiều chuyên gia, một trong những cơ hội thúc đẩy năng suất của các nền kinh tế đang già hóa là khai thác khả năng chi tiêu và thói quen tiêu dùng mới của người lớn tuổi. Như tại Nhật Bản, tã quần dành cho người lớn bán chạy hơn tã trẻ em kể từ năm 2013. Ðến năm 2025, trang kinh tế Financial Times dự báo xu hướng tương tự sẽ “đổ bộ” vào Trung Quốc khi số người trong độ tuổi lao động ở nước này từ năm 2022 sẽ giảm 10 triệu mỗi năm.

Các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm và công nghệ cũng nhận ra tiềm năng to lớn của nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên. Ðơn cử ở Nhật, mô hình robot tương tác xã hội đã sớm được triển khai để hỗ trợ cuộc sống người già. Tại Singapore, một số công ty khởi nghiệp hiện tập trung khai thác các sản phẩm như cảm biến theo dõi tình trạng chân của bệnh nhân tiểu đường, phát hiện té ngã hay ứng dụng rèn luyện thể chất dựa trên tình trạng cơ xương hoặc lập kế hoạch cho các vấn đề cuối đời.

Dịch vụ y tế qua điện thoại hay mạng Internet cũng có khả năng phát triển hơn nữa, khi nhu cầu được chăm sóc từ xa của người lớn tuổi ngày một gia tăng, đặc biệt là những người có vấn đề sức khỏe kéo dài hoặc bệnh mãn tính. Chẳng hạn, hãng công nghệ Orbit Health của Ðức đang triển khai giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo và cảm biến thông minh để theo dõi bệnh nhân mắc hội chứng liệt rung (Parkinson), giúp tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

Ngoài chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ thăm nom và kết nối xã hội cũng đang nở rộ, đáp ứng nhu cầu sống độc lập của những người lớn tuổi. Ví dụ, ở Nhật Bản hiện có dịch vụ hỗ trợ cuộc sống, trong đó các nhân viên trẻ thường xuyên đến thăm nhà những người cao niên với tư cách bạn bè, cùng tham gia các hoạt động thường ngày để họ bớt cô đơn cũng như cảm thấy được xã hội tôn trọng. Một số sáng kiến còn để người cao tuổi tham gia chương trình cộng đồng; cung cấp cho họ các dịch vụ chống lão hóa như spa, trị liệu nếp nhăn và trang điểm để họ yêu đời hơn. Các trò chơi, ứng dụng công nghệ dành cho nhóm đối tượng này cũng bùng nổ những năm gần đây, giúp người già sống vui vẻ và khỏe mạnh, cả về thể chất và tinh thần.

Nói chung, trải nghiệm của thế hệ người cao tuổi mới sẽ rất khác so với trước. Bên cạnh thói quen chi tiêu và lối sống mới, người cao tuổi hiện đại có nhu cầu lâu dài hơn cho các kế hoạch tài chính, học tập và nâng cao kiến thức. Do đó, giới chuyên gia Singapore cho rằng các nhà hoạch định kinh tế cần thay đổi cách nhìn về người lớn tuổi, xem họ như một lực lượng có thể tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế.

Chia sẻ bài viết