21/06/2024 - 22:05

Tại sao Hezbollah dọa tấn công Síp? 

Síp tỏ ra hoài nghi trước cảnh báo từ lực lượng Hezbollah của Lebanon rằng hòn đảo này có thể bị kéo vào xung đột nếu căng thẳng với Israel bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện.

Thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah dọa tấn công Síp.

Phát biểu trên truyền hình hôm 19-6, thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cho rằng Síp, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) gần Trung Ðông nhất, có thể trở thành mục tiêu nếu cho phép Israel sử dụng các cơ sở quân sự của mình trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Lebanon. Lời đe dọa được đưa ra sau khi Israel cảnh báo nước này sắp tiến hành chiến tranh tổng lực ở Lebanon nhằm chống lại Hezbollah.

Ðáp lại, Tổng thống Síp Nikos Christodoulides ngày 20-6 phủ nhận có liên quan đến cuộc chiến, đồng thời mô tả phát biểu của thủ lĩnh Nasrallah là “không dễ chịu”. Ông Christodoulides đồng thời tìm cách nhấn mạnh chính sách trung lập của Síp, tô đậm vai trò của hòn đảo trong việc thiết lập hành lang trên biển để chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza.

Nhiều tàu chở hàng viện trợ đã đến Gaza ​​từ cảng Larnaca ở phía Nam Síp kể từ tháng 3-2024. Một trung tâm hậu cần của EU cũng được thành lập tại Síp để tạo điều kiện thuận lợi cho dòng viện trợ vào dải đất đang hứng chịu xung đột này.

Tuy nhiên, mối liên kết của Síp với Israel và quan hệ ngày càng nồng ấm với Mỹ đã khiến lãnh đạo Hezbollah chú ý.

Mối quan hệ thân mật Israel - Síp

Ðảo Síp được chia thành hai phần: một phần phía Nam nói tiếng Hy Lạp được gọi là Cộng hòa Síp và một khu vực nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ. Sự phân chia này phản ánh cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ trong khu vực là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết cộng đồng quốc tế chỉ công nhận chủ quyền của phần Síp thuộc Hy Lạp và đó là quốc gia mà lời đe dọa của ông Nasrallah nhắm vào.

CH Síp có khoảng 920.000 người sinh sống, với thủ đô là Nicosia. Síp không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), tức không được các quốc gia thành viên bảo vệ trong trường hợp bị tấn công.

Cách tiếp cận của Nicosia trong nhiều năm là ủng hộ người Arab hơn là thân với Tel Aviv. Quan hệ ngoại giao giữa Síp và Israel bắt đầu vào năm 1960, sau khi đảo quốc ở Ðịa Trung Hải này giành được độc lập từ tay thực dân Anh, nhưng Nicosia không mở đại sứ quán ở Tel Aviv cho đến năm 1994. Quan hệ song phương xấu đi trong thập niên 1980 và 1990 vì các vấn đề, bao gồm quan hệ hữu hảo của Israel với Thổ Nhĩ Kỳ và xung đột Arab - Israel, trong đó Síp đứng về phía các quốc gia Arab và ủng hộ Nhà nước Palestine.

Quan hệ Nicosia - Tel Aviv được phục hồi vào cuối những năm 1990 và 2000, thời điểm Israel bắt đầu hướng sang Ðông Ðịa Trung Hải để hợp tác kinh tế, đặc biệt sau khi phát hiện trữ lượng khí đốt tự nhiên trong khu vực. Giới chuyên gia nhận định Israel cũng đã tìm đến Síp như một đối tác để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực, nhất là từ các nhóm vũ trang liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Síp và Israel chia sẻ thông tin tình báo và liên kết quân sự ngày càng chặt chẽ. Israel trong những năm gần đây đã sử dụng lãnh thổ Síp để huấn luyện binh sĩ của mình nhằm chuẩn bị cho kịch bản xảy ra chiến tranh với Hezbollah, nhóm vũ trang thân Iran. Síp được chọn để diễn tập vì có địa hình tương tự với địa hình của Lebanon. Năm 2022, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung với lực lượng Síp, trong đó một số hoạt động tập trung vào việc chiến đấu trên nhiều mặt trận và đối đầu với Hezbollah ở Lebanon. Cuộc tập trận mới nhất của họ diễn ra vào tháng 5-2023 tại Síp.

“Cả hai cuộc tập trận đều bị Hezbollah coi là hành động khiêu khích. Chúng tôi biết Tổng thống Christodoulides đã được thông báo nhiều về điều này khi ông đến thăm Beirut cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 5 năm nay”, một nhà ngoại giao EU chia sẻ.

Người phát ngôn của Chính phủ Síp, Konstantinos Letymbiotis, cho biết Síp có mối quan hệ “tuyệt vời” với Lebanon và nước này sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào sử dụng lãnh thổ của mình cho các hoạt động quân sự chống lại quốc gia khác. Trong khi đó, Chính phủ Lebanon cũng đang cố gắng ngăn chặn mọi hậu quả tiềm tàng bắt nguồn từ những bình luận của thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah. Thủ tướng tạm quyền của Lebanon Najib Mikati ngày 20-6 đã liên lạc với Tổng thống Síp Christodoulides để cảm ơn ông vì phản ứng ngoại giao có chừng mực. Ngoài ra, Ngoại trưởng Lebanon Abdallah Bou Habib cũng đã trao đổi với người đồng cấp Síp Constantinos Kombos để nhấn mạnh “sự phụ thuộc liên tục” của Beirut  vào vai trò của Nicosia cho sự ổn định trong khu vực. 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Chia sẻ bài viết