 |
Goldman Sachs trong vòng điều tra của SEC. Ảnh: CBSNews |
Việc Ủy ban Hối đoái và Chứng khoán (SEC) của Mỹ ngày 16-4 bắt đầu lập hồ sơ truy tố ngân hàng đầu tư Goldman Sachs lừa dối khách hàng đang gây ra mối hoài nghi trong lòng các ông nghị đảng Cộng hòa. Theo hãng tin Mỹ AP ngày 20-4, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã bày tỏ mối quan ngại rằng vụ kiện cáo này “có lẽ mang động cơ chính trị nhiều hơn là luật chứng khoán”. AP viết: “Không biết những hoài nghi đó có đúng hay không, nhưng một điều không thể chối cãi là động thái ấy của SEC được đưa ra chỉ khi Tổng thống Barack Obama tiến hành cái mà ông hy vọng là một nỗ lực cuối cùng nhằm giành lấy sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với kế hoạch cải cách Phố Wall của ông”.
Trong khi đó, kênh truyền hình FOZNews.com theo quan điểm đối nghịch với chính quyền Obama trích dẫn nội dung lá thư phản đối của một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa, cho rằng lệnh khởi tố dân sự của SEC chống lại tập đoàn đầu tư tài chính lớn nhất nước Mỹ đã tạo ra “những vấn đề nghiêm trọng” đối với tính “độc lập và công bằng” của SEC. Lá thư gởi cho Chủ tịch SEC Mary Schapiro còn nói thêm rằng quyết định của SEC làm nhân dân Mỹ nghi ngờ ủy ban này muốn hỗ trợ Nhà Trắng và các ông nghị Dân chủ trong bối cảnh Thượng viện Mỹ đang xem xét dự luật cải cách quản lý tài chính của Tổng thống Obama. Còn Giám đốc nghiên cứu chính trị của kênh truyền hình CNN, ông Robert Yoon, thì bình luận: Goldman Sachs dường như không được “trả ơn” vì những đóng góp rất đỗi hào phóng của họ trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Obama.
Theo số liệu từ Ủy ban bầu cử liên bang Mỹ (FEC) được Trung tâm phản ứng chính trị liệt kê, các cá nhân và ngân quỹ của Goldman Sachs đã “đài thọ”gần 1 tỉ USD cho ông Obama trong chiến dịch tranh cử năm 2007 và 2008, cao hơn gấp 4 lần so với con số trên 230.000 USD mà tập đoàn này dành cho thượng nghị sĩ, ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain. Không chỉ có ông Obama mà nhiều thành viên đảng Dân chủ cũng được Goldman Sachs ưu ái. Trong năm 2008, người ta tính được rằng cứ 4 đô-la Mỹ do ngân hàng này tài trợ thì 3 đồng đã chạy vào túi những người thuộc phe Dân chủ. Ngoài ra, Goldman Sachs cũng là “Mạnh Thường Quân” của các thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện và Ủy ban Tài chính Hạ viện kể từ sau cuộc bầu cử năm 2008. Nếu tính từ năm 1990 đến nay, Goldman Sachs đã dành phần lớn số tiền ủng hộ của mình cho đảng Dân chủ.
“Ân tình” là vậy, nhưng chính quyền Obama không thể làm ngơ mãi khi sai phạm của Goldman Sachs đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ Mỹ. Các nhà chức trách vừa công bố kết quả điều tra cho thấy tập đoàn đầu tư hàng đầu ở Phố Wall này đã thực hiện những vụ gian lận tài chính, trong đó có một số ngân hàng châu Âu là nạn nhân. Hơn nữa, theo các nhà phân tích, “xử” Golman Sachs vào lúc này, chính quyền Obama đã nắm trong tay “át chủ bài” để kêu gọi cải cách tài chính. Vụ gian lận tại Goldman Sachs được đảng Dân chủ đưa ra như một ví dụ điển hình cho việc cần phải cải tổ Phố Wall sau cuộc khủng hoảng tài chính khiến kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tổng thống Obama tuyên bố sẽ buộc Phố Wall phải có trách nhiệm đối với các quy định ngân hàng và thực hiện các quy tắc để ngăn chặn các khoản cứu trợ từ tiền đóng thuế của người dân Mỹ cho các công ty gặp rắc rối. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa nói rằng dự luật của đảng Dân chủ sẽ dẫn tới những khoản cứu trợ tương tự và sẽ đưa ra các cơ chế mới bóp nghẹt các ngân hàng cộng đồng và các doanh nghiệp nhỏ.
Dự kiến Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật cải cách tài chính trong vài tuần tới, nhưng giới phân tích dự đoán văn kiện trên khó có thể được thông qua.
KIẾN HÒA (Theo AP, CNN và Guardian)