|
Đại sứ Syrie tại AL Yussef Ahmad trong vòng vây báo giới tại cuộc họp khẩn ngày 12-11.
Ảnh: AP |
Trong một động thái khá bất ngờ, Liên đoàn A-rập (AL) trong cuộc họp ngày 12-11 đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Syrie, đồng thời kêu gọi các quốc gia trong khu vực rút đại sứ ra khỏi nước này và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế-chính trị chống Damas cho đến khi nào chính quyền Bashar al-Assad chấm dứt tình trạng trấn áp bạo lực theo thỏa thuận với AL ngày 2-11. Người ta lo ngại Syrie sẽ lâm vào nội chiến và nguy cơ bị tấn công quân sự là khó tránh khỏi.
AL có 22 quốc gia thành viên. Tại cuộc họp khẩn cấp ở Thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 12-11, 18 nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trên. Syrie, Liban và Yemen bỏ phiếu chống, còn Iraq bỏ phiếu trắng. Phía Syrie cho rằng nghị quyết hoãn tư cách thành viên của hội nghị ngoại trưởng AL là bất hợp pháp, vi phạm nguyên tắc của tổ chức này vốn quy định chỉ có hội nghị thượng đỉnh mới có quyền thông qua một quyết định quan trọng như vậy.
Theo tờ Guardian (Anh), nghị quyết của AL là một “tối hậu thư” buộc Syrie trong vòng 4 ngày phải thực thi các biện pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng bạo lực rất nghiêm trọng hiện nay. Hãng tin Anh Reuters thì cho rằng quyết định của AL là nhằm đáp lại lời kêu gọi hôm 11-11 của phe đối lập tại Syrie khi họ cáo buộc quân đội chính phủ tiếp tục sát hại 23 người biểu tình và gây ra “thảm họa nhân đạo” tại thành phố Homs. Tính chung, từ khi người dân Syrie bắt đầu cuộc biểu tình chống chính phủ hồi giữa tháng 3-2011 tới nay, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, đã có hơn 3.500 người chết. Trong đó, chính quyền Damas thông báo lực lượng an ninh có 1.200 người bị các tay súng trong đám đông biểu tình sát hại.
Tại cuộc họp, đại diện ngoại giao của Syrie Yussef Ahmad đã một lần nữa khẳng định Damas luôn sẵn sàng thực hiện thỏa thuận chấm dứt bạo lực với AL, nhưng cho rằng nghị quyết của tổ chức này là hành động “theo chương trình nghị sự của Mỹ và phương Tây để mở đường cho sự can thiệp của nước ngoài như trường hợp Libye”. Trên thực tế, trong khi đưa ra “tối hậu thư” cho ông al-Assad, AL đã mời các đảng phái đối lập ở Syrie đến tổng hành dinh tại Cairo để bàn cách thức “quản lý thời chuyển tiếp sắp tới ở Syrie”, đồng thời dọa sẽ đưa vấn đề Syrie lên Liên Hiệp Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố hoan nghênh nghị quyết của AL, trong đó nhấn mạnh đây là thời điểm cộng đồng quốc tế cần gia tăng sức ép chống Damas. Nhưng tại Syrie, nhiều người dân ủng hộ Tổng thống al-Assad trong cơn giận dữ đã biểu tình và tấn công đại sứ quán Arabie Séoudite và Qatar ở Damas. Tổng lãnh sự quán Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Latakia cũng rơi vào tình trạng tương tự. Người Syrie tại Liban tối 12-11 cũng đã tới đại sứ quán Qatar ở Thủ đô Beirut để biểu tình phản đối chủ tịch luân phiên AL.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)