30/12/2007 - 11:18

"Sức mạnh mềm"

Sự xuất hiện của những tàu chiến khổng lồ của Mỹ đâu đó trên thế giới thường là dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc sắp triển khai kế hoạch tác chiến bảo vệ các lợi ích toàn cầu của Mỹ. Sau sự kiện ngày 11-9-2001, nhiệm vụ hàng đầu của Hải quân Mỹ là hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq.

 Tàu thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cứu trợ người dân Bangladesh vùng bị bão tàn phá hồi tháng 11 vừa qua. Ảnh: Csmonitor

Trong nỗ lực lôi kéo đồng minh tiếp tục kề vai sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đồng thời nhằm cải thiện hình ảnh trong mắt cộng đồng quốc tế, Hải quân Mỹ đã điều chỉnh chiến lược hoạt động và được lực lượng thủy quân lục chiến và lực lượng phòng vệ bờ biển chia sẻ. Theo đó, song song với việc duy trì khả năng sử dụng “sức mạnh cứng” như trước nay, Hải quân Mỹ đã và đang tập trung vào cái gọi là “sức mạnh mềm” như viện trợ nhân đạo, cứu hộ thiên tai, chống cướp biển, ngoại giao công chúng và huấn luyện quân sự.

Trên tinh thần đó, năm ngoái, tàu sân bay George Washington được triển khai tới vịnh Caribbe trong nhiều tuần lễ để thực hiện sứ mệnh trợ giúp cộng đồng. Mùa hè qua, tàu bệnh viện Comfort cũng đến Nam Mỹ trong sứ mạng nhân đạo kéo dài 4 tháng. Comfort cập cảng 12 quốc gia và giúp đỡ gần 100.000 thường dân nghèo gặp nạn. Mới đây nhất, tàu hải quân Mỹ tham gia chống hải tặc ngoài khơi bờ biển Somalie và cứu trợ người dân Bangladesh bị bão nhiệt đới tàn phá nặng nề hồi tháng 11.

Thật ra, các hoạt động nhân đạo không xa lạ gì đối với quân đội Mỹ, nhưng theo một quan chức hải quân, sứ mạng mới đang ngày càng được tăng cường. Khi lên thay nhà lãnh đạo diều hâu hiếu chiến Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuyên bố các biện pháp phi quân sự cũng nên là nền tảng cơ bản của nền an ninh quốc gia. Vậy nên, ông cho rằng Lầu Năm Góc cần phát triển khả năng sử dụng “sức mạnh mềm” và kết hợp tốt hơn với “sức mạnh cứng”. Ngoài ra, ông kêu gọi chính phủ đầu tư nhiều hơn cho các tổ chức phi quân sự thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, quan điểm này của ông Gates phần nào phản ánh sự không hài lòng của một bộ phận giới chức Lầu Năm Góc về chiến lược đơn phương hành động của Tổng thống George Bush trong gần 5 năm qua tại Iraq. Họ tin rằng con đường duy nhất để tiến lên phía trước là phải xây dựng lòng tin nơi các đồng minh để từ đó họ mới hăng hái hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thế nhưng, kế hoạch của Hải quân Mỹ lại vấp phải phản ứng của Quốc hội và một số chiến lược gia quân sự. Nhiều nghị sĩ cho rằng điều cần thiết nhất là nên phát triển thêm đội tàu chiến nhằm khẳng định sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ. Một nghị sĩ cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng tàu thương mại có vận tốc nhanh hơn tàu chiến Mỹ và kỹ thuật này có thể được Bắc Kinh sử dụng trong chế tạo tàu chiến. Do đó, theo Robert Work, chiến lược gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và ngân sách Mỹ, biện pháp tối ưu để triệt hạ đối phương là tăng cường khả năng quân sự linh hoạt, lợi hại và thậm chí gây thương vong nhiều nhất nếu có thể.

Xem ra “sức mạnh mềm” khó có thể thắng các thế lực hiếu chiến.

V.P (Theo Csmonitor)

Chia sẻ bài viết